|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Áp lực lạm phát đè nặng lên ngành bán lẻ

11:48 | 19/07/2022
Chia sẻ
SSI Research nhận định từ quý II/2022 lạm phát ảnh hưởng đến sức mua, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu với các mặt hàng không thiết yếu và dự báo tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây.

Báo cáo của SSI Research chỉ ra với tình hình lạm phát gia tăng hiện nay, hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ thấp hơn kỳ vọng trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn vẫn có thể tăng trưởng ổn định nhờ tăng thị phần.

Đối với các mặt hàng không thiết yếu như mảng công nghệ thông tin, điện tử gia dụng hay mảng trang sức, theo đánh giá, người dùng sẽ phải giảm mức chi tiêu khi lạm phát ảnh hưởng sức mua.

Doanh thu mảng công nghệ dự báo đi ngang năm tới

Về mảng ICT & CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng), tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2022 của mảng này được dự đoán sẽ lớn hơn mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2021.

Hơn nữa, đối với các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao (như FRT và DGW), tăng trưởng doanh thu có thể ở mức thấp. Ảnh hưởng của vấn đề thiếu chip đã giảm bớt do nhu cầu tăng trưởng chậm hơn. 

 Ảnh minh hoạ: Thế Giới Di Động.

SSI Research cho rằng diễn biến ngành sẽ tiếp tục theo mô hình chữ K trong năm 2023. Các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát. 

Năm 2023, tăng trưởng doanh thu được nhận định sẽ thấp hơn so với mức tăng trưởng trước dịch COVID-19, do tỷ lệ sở hữu điện thoại di động và thiết bị gia dụng lớn cao hơn trước đây. Nhu cầu các thiết bị gia dụng nhỏ vẫn có thể tăng trưởng do mức độ thâm nhập thị trường hiện nay của các sản phẩm này còn ở mức thấp. Do đó, các chuyên gia dự báo năm tới, doanh thu mảng ICT sẽ đi ngang và mảng điện tử gia dụng có thể tăng trưởng ở mức một con số.

Nhu cầu trang sức năm tới khó có thể vượt mức trước dịch

Về mảng trang sức, SSI Research cho rằng mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức trong 6 tháng cuối năm, nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau COVID-19, vì mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.

Năm 2023, các chuyên gia dự báo suy giảm kinh tế trên diện rộng sẽ gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng vàng, tuy nhiên tác động và mức độ kéo dài của lạm phát ở Việt Nam sẽ là những yếu tố quyết định đến chi tiêu của người có thu nhập cao đối với hàng hóa không thiết yếu như đồ trang sức. Do đó, nhu cầu trong năm 2023 được cho rằng khó có thể vượt mức trước COVID-19. 

Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ trang sức đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K trong hai năm qua, nên các công ty hàng đầu như PNJ đã ghi nhận doanh thu vượt xa mức năm 2019. Do đó, trong năm 2023, doanh thu của PNJ được dự báo sẽ tăng trưởng so với giai đoạn trước đại dịch, mặc dù sẽ chậm lại so với mức tăng trưởng năm 2022.

 Diễn biến giá một số cổ phiếu ngành bán lẻ từ đầu năm 2022. (Ảnh: Tradingview).

Duy Anh