|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Áp lực chốt lời mạnh sau khi vượt đỉnh, HOSE nghẽn lệnh

15:49 | 10/01/2022
Chia sẻ
Theo ghi nhận, tình trạng "đơ bảng điện" xuất hiện trong phiên chiều cùng áp lực chốt lời đã khiến nhiều nhà đầu tư vội vàng chốt lời. Loạt cổ phiếu phút trước còn "xanh tím" phút sau đã đổ sàn cũng khiến nhà đầu tư hoang mang tự hỏi không biết điều gì đã diễn ra trong phiên ATC.

Trái với đà tăng gần 6 điểm kết phiên sáng, chỉ số chính tại sàn HOSE bất ngờ quay đầu kể từ giữa phiên chiều và giảm 15 điểm ngay trước phiên khớp lệnh định kỳ. Kết phiên giao dịch ngày 10/1, VN-Index giảm 24,77 điểm (1,62%) còn 1.503,71 điểm, HNX-Index giảm 10,95 điểm (2,22%) xuống 482,89 điểm.

Áp lực chốt lời dâng cao ở các nhóm cổ phiếu là nguyên nhân chính khiến chỉ số rung lắc mạnh trong phiên chiều. Thanh khoản tăng mạnh kể từ 13h10 đưa tổng giá trị giao dịch tại HOSE trong phiên vượt mốc 41.800 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với phiên trước.

Chốt lời mạnh sau khi vượt đỉnh, HOSE tiếp tục nghẽn lệnh? - Ảnh 1.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh trong phiên 10/1. (Ảnh: MBS).

Đáng chú ý, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, bảng điện tại sàn HOSE có dấu hiệu "đứng hình" khiến nhiều cổ phiếu không hiển thị giá khớp lệnh. Tính trạng treo bảng, nghẽn lệnh kéo dài đến hết phiên chiều khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên lo lắng. Điều này khiến hiện tượng đặt lệnh MP để bán bằng mọi giá xuất hiện trở lại, lực bán tăng mạnh trong khi nhiều nhà đầu tư còn ngỡ ngàng khiến thanh khoản tăng cao.

Loạt cổ phiếu phút trước còn "xanh tím" phút sau đã đổ sàn cũng khiến nhà đầu tư hoang mang không biết điều gì đã diễn ra trong phiên ATC. Trong đó, FLC chuyển từ trạng thái tăng kịch trần về mức 21.150 đồng/cp, giảm 6,2%. Tương tự, nhiều cổ phiếu đang tăng "nóng" cũng quay đầu "nằm sàn" như CII ( giảm 6,9%), POW (-6,9%), CEO (-9,9%)...

Theo một số chuyên viên môi giới, tình trạng trên là do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) bị mất kết nối với một số công ty chứng khoán dẫn đến tình trạng chậm trả kết quả lệnh. Điều đáng nói là tình trạng này đã không xuất hiện trong gần 3 tháng gần đây sau khi FPT kết hợp cùng HOSE nâng khả năng xử lý số lượng giao dịch từ 900.000 lệnh/phiên lên mức 3 - 5 triệu lệnh.

Trước đó, hệ thống giao dịch của HOSE đã thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh khi thanh khoản thị trường bùng nổ. Nhiều thời điểm nhà đầu tư không nắm được biến động giá trong phiên, thậm chí không thể giao dịch mua bán chứng khoán.

Tình trạng nghẽn lệnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thảo Bùi