Áp lực chốt lời gia tăng, VN-Index giảm hơn 19 điểm
Đóng cửa, VN-Index rơi 19,1 điểm (1,49%) về 1.261,93 điểm, HNX-Index giảm 5,19 điểm (2,1%) xuống 241,72 điểm, UPCoM-Index giảm 0,77 điểm (0,81%) còn 94,4 điểm.
Đi ngược với nỗ lực hồi phục trong phiên trước, áp lực bán xuất hiện về cuối phiên khiến thị trường đỏ lửa và VN-Index lại về sát mốc 1.260 điểm. Nỗ lực tăng điểm của GVR, ACB, HVN, PLX, … không chống đỡ được đà giảm đến từ các cổ phiếu trụ như FPT, VCB, CTG, VPB, HPG, VHM, MSN, …
Độ rộng thị trường ghi nhận 686 mã giảm, trong đó có tới 39 mã nằm sàn, áp đảo so với 310 mã tăng và và 228 mã tham chiếu. Trong rổ VN30 sắc đỏ áp đảo với với 25/30 mã giảm. Chiều tăng điểm gọi tên ACB, GVR, PLX và STB.
Về thanh khoản, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,6 tỷ đơn vị, tương đương tổng giá trị đạt gần 40.200 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE đạt hơn 35.530 tỷ đồng.
Liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại trở lại mua ròng gần 90 tỷ đồng trên HOSE sau phiên rút ròng trước đó. Tâm điểm giải ngân tiếp tục tập trung vào HPG (203,3 tỷ đồng) cùng với HCM (48,7 tỷ đồng), HDB (44,3 tỷ đồng), ...
Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường chỉ có một số cổ phiếu ngành hóa chất, ngân hàng, bảo hiểm lội ngược dòng trở thành điểm sáng trong phiên như PVO tăng trần, ACB (+2,8%), ABB (+1,2%), CSV (+5,2%), PLX (+1,7%), BSR (+0,9%), …
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 8,5 điểm (0,66%) về 1.272,53 điểm, HNX-Index giảm 2,54 điểm (1,03%) còn 244,37 điểm, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (0,25%) xuống 94,94 điểm.
Sau nỗ lực lấy lại sắc xanh vào giữa phiên sáng, áp lực bán dâng cao về cuối phiên khiến VN-Index dừng phiên sáng mất gần 9 điểm. Nhóm VN30 là gánh nặng chính của thị trường khi ghi nhận 21 mã giảm, trong khi chỉ có 8 mã tăng và duy nhất MBB đứng giá tham chiếu. Theo đó, VN30-Index giảm tới 10,77 điểm (0,83%) về 1.293,99 điểm.
Lực bán dâng cao vào cuối phiên chủ yếu vào các mã vốn hóa lớn như FPT, VIC, VCB, HPG, MWG. ACB sau pha tăng tốc lên sát giá trần đã hạ nhiệt, dù vậy đây vẫn là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong rổ VN30 với tỷ lệ 4,2% lên 29.650 đồng/cp.
Ngoài ra một số bluechip cũng giữ được sắc xanh, góp phần ngăn đà giảm sâu của chỉ số như GVR tăng 1,8%, cùng với STB, BID, PLX, VIB, BVH, TCB tăng dưới 1%. Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản gây áp lực giảm điểm lớn nhất lên chỉ số với mức ảnh hưởng giảm gần 1,7 điểm, kế đó là nhóm chứng khoán, viễn thông, bán lẻ, thực phẩm, thép, …
Độ rộng thị trường khá nghiêng về bên bán với 557 mã giảm, 313 mã giảm và 219 mã đứng giá tham chiếu. Áp lực điều chỉnh hiện hữu, tuy nhiên một số cổ phiếu penny vẫn thu hút được sự chú ý của dòng tiền như PLP tăng 6,1% lên 5.220 đồng/cp, CSV (+5,3%), OGC (+4,8%), VRC (+4,4%), LSS (+4,3%), … thậm chí NO1 và PET tăng hết biên độ.
Thanh khoản thị trường có sự cải thiện so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch phiên sáng nay đạt gần 17.250 tỷ đồng, tương đương gần 706 triệu cổ phiếu được mua – bán. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản trên HOSE tăng gần 42% lên 15.310 tỷ đồng.
Tính đến 10h40, VN-Index tăng 2,58 điểm (0,2%) lên 1.283,61 điểm, VN30-Index tăng 2,17 điểm (0,17%) đạt 1.206,93 điểm. VN-Index lấy lại sắc xanh về giữa phiên sáng với động lực hồi phục đến từ nhóm vốn hóa lớn. Từ mức giảm hơn 9 điểm, VN30-Index bật hồi tăng gần 2 điểm. Trong đó, nỗ lực dẫn dắt đến từ GVR, ACB, BID, CTG, TCB, MBB...
Tính đến 9h30, VN-Index giảm 4,45 điểm (0,35%) xuống 1.276,58 điểm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (0,09%) về 246,69 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (0,16%) đạt 95,32 điểm.
Sau phiên bùng nổ trước đó, VN-Index mở cửa phiên sáng nay giảm hơn 6 điểm. Sau khoảng 30 phút giao dịch, sắc đỏ của chỉ số được thu hẹp còn hơn 4 điểm.
Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục gây sức ép lên thị trường với 22/30 mã giảm trong rổ VN30. Mặc dù biên độ giảm không quá lớn (quanh ngưỡng 1%), xu hướng điều chỉnh diện rộng khiến VN30-Index giảm gần 9 điểm. Trong đó, các mã giảm mạnh nhất có thể kể đến như HDB (-1,6%), TPB (-1,4%), MWG (-1,3%), SSI (-1,2%), VIC (-1,1%), ... Chiều ngược lại, nỗ lực gồng đỡ được chứng kiến ở PLX, GAS, GVR, BVH, POW, BID và ACB.
Dòng dầu khí tiếp tục hút tiền với loạt mã tăng điểm, PVO hiện tăng sát ngưỡng giá trần với tỷ lệ 12,3% lên 7.300 đồng/cp. Cùng chiều, PVT, PLX, BSR, PVD, GAS, PVB, PVC xanh 1,2 – 4,1%.
Tại thị trường quốc tế, Dow Jones đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 khi một loạt dữ liệu kinh tế mới làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ không sớm hạ lãi suất.
Cụ thể, theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 23/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 606 điểm, tương đương 1,53% và chốt phiên ở mức 39.065 điểm. Đây là phiên tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2023. Boeing là mã cổ phiếu tụt sâu nhất trong Dow Jones khi giảm tới 7,6%.
Chung xu hướng, S&P 500 giảm 0,74%, đóng cửa ở mức 5.268 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,39%, chốt phiên với 16.736 điểm. Đầu phiên, cả hai chỉ số này từng tăng lên mức kỷ lục mới.