|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Áp dụng mô hình bếp trên mây vào sản xuất bánh sinh nhật

10:53 | 16/01/2024
Chia sẻ
Sau 7 tháng nghiên cứu và phát triển mô hình, 12 tháng tập trung tiếp thị, bán hàng, đến nay Savor Cake đã có ba bếp trên mây ở Hà Nội, đạt công suất khoảng 80 bánh/bếp.

Savor Cake là doanh nghiệp vận hành các cloud kitchen chuyên sản xuất và giao bánh sinh nhật. Startup này được sáng lập bởi Lê Tuấn Hiệp và Vy Tuấn Anh. Hai người đến Shark Tank Việt Nam để gọi 3 tỷ đồng đổi lấy 6% cổ phần công ty

Theo giới thiệu, Savor Cake “có thể cung cấp những chiếc bánh sinh nhật hoa quả đảm bảo cả hai tiêu chí là tươi và nhanh đến bất cứ một bữa tiệc sinh nhật nào chỉ trong một giờ kể từ khi khách đặt hàng” với mức giá trung bình khoảng từ 270 – 320.000 đồng/chiếc bánh.

Hầu hết các khâu của Savor Cake đều được ứng dụng công nghệ để tiện quản lý.

 Mô hình bếp mây Savor Cake với sản phẩm chủ đạo là bánh sinh nhật. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Nhà sáng lập Lê Tuấn Hiệp cho biết, toàn bộ công thức làm bánh đã được số hóa và đưa lên hệ thống nên có thể kiểm tra tồn kho ở thời gian thực. Mỗi SKU đều có định mức hao hụt riêng nên hệ thống có thể đề xuất kiểm kê để phát hiện và xử lý tình trạng hao hụt cũng như dư thừa, nhờ đó lượng hao hụt được kiểm soát còn dưới 1%.

Ngoài ra, hệ thống quản trị của Savor Cake còn quản lý đến từng nhân viên nhằm gán trách nhiệm của từng người với sản phẩm họ làm ra, đồng thời đánh giá được hiệu suất làm việc để tính lương hiệu quả.

Nhà sáng lập Tuấn Anh tiết lộ, sau 7 tháng nghiên cứu và phát triển mô hình, 12 tháng tập trung tiếp thị, bán hàng, đến nay Savor Cake đã có ba bếp trên mây ở Hà Nội, đạt công suất khoảng 80 bánh/bếp. Doanh thu trong một năm qua là 15 tỷ đồng, EBITDA đạt khoảng 13% và lợi nhuận ròng khoảng 10%.

Kế hoạch phát triển cụ thể của Savor Cake vào năm 2024, 2025, 2026 là mở tới 8, 18 và 30 bếp. Dự kiến đến năm 2026, doanh thu của startup sẽ đạt gần 200 tỷ, lợi nhuận khoảng 10%.

Đại diện Savor Cake giới thiệu mô hình này đã thành công ở Trung Quốc với số lượng lên đến hơn 1.000 bếp. Với thị trường Việt Nam, startup này nhận định có thể mở được ít nhất 90 bếp. 

Chỉ có duy nhất Shark Bình không tham gia thương vụ. Trong khi đó, Shark Hưng đề nghị đầu tư 3 tỷ đổi lấy 36% cổ phần. Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh đều ra deal là 3 tỷ đổi lấy 25% cổ phần. Còn Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 3 tỷ dưới dạng khoản vay chuyển đổi với thời điểm chuyển đổi là cuối năm 2024.

Hầu hết các "cá mập" đều nêu ra thế mạnh trong việc giúp đỡ startup phát triển. Song phía Shark Hùng Anh lại chọn cách giảm tỷ lệ sở hữu khi chỉ chọn đổi khoản đầu tư lấy 20% cổ phần, lựa chọn này cũng được Shark Tuệ Lâm đề nghị với startup. Hai bên sau đó còn tiếp tục giảm xuống 18%.

Cuộc đua của "cá mập" chỉ ngã ngũ khi Savor Cake đề nghị đầu tư 3 tỷ đồng cho 15% cổ phần. Lúc này chỉ còn Shark Hùng Anh tiếp tục đàm phán. Cuối cùng, hai bên đã đạt thỏa thuận đầu tư 3 tỷ đồng cho 17% cổ phần và startup có thể mua lại 2% cổ phần nếu đạt KPI.

Thuỳ Trang

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.