|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp dụng luật mới, doanh số bảo hiểm có thể giảm trong ngắn hạn

11:46 | 10/07/2024
Chia sẻ
Theo đánh giá của Manulife và Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những quy định mới nghiêm ngặt hơn có thể tác động mạnh đến doanh số của doanh nghiệp trong ngắn hạn, qua đó thị trường bước vào giai đoạn thanh lọc, dần hướng đến sự chuyên nghiệp, ưu tiên bảo vệ quyền lợi khách hàng trong dài hạn.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa chính thức có hiệu lực ngày 1/7, việc các ngân hàng bán bảo hiểm “bắt buộc” kèm khoản vay đã bị cấm triệt để. Điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến nguồn thu từ dịch vụ của các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoàingười quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Làm rõ hơn về quy định này, tại sự kiện của Manulife Việt Nam mới đây, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết khi quy định này được ban hành có một số người hiểu nhầm theo hướngcấm ngân hàng bán bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế là luật chỉ cấm bángắn với những sản phẩm của ngân hàng.

"Có thể hiểu nôm na như trước đây khách hàng đến làm thủ tục tại ngân hàng thì phải mua sản phẩm bảo hiểm mới được giảm lãi suất hoặc đổi một quyền lợi khác. Còn việc ngân hàng lập một kênh bán bảo hiểm cũng là cách bảo toàn vốn nên việc này rất bình thường mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng", ông Dũng cho hay.

Ông khẳng định rằng quy định mới vẫn cho phép ngân hàng bán các sản phẩm bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên sẽ nghiêm ngặt hơn trước. "Có thể ban đầu sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng về dài hạn sẽ ổn định, mang lại niềm tin cho thị trường, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng”, ông đánh giá.

Riêng với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành dự thảo Thông tư trong đó có ngoại trừ sản phẩm này ra khỏi danh sách sản phẩm bảo hiểm mà các ngân hàng được bán.

NHNN cho rằng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư khác mà ngân hàng cung cấp. Do đó, nên quy định theo hướng không cho phép ngân hàng thực hiện cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, thông tư này hiện tại chưa được ban hành.

Trước đó, theo Thông tư 67 của Bộ Tài chính có quy định ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Chia sẻ tại buổi họp báo kỷ niệm 25 năm thành lập, bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam, cho hay quy định tại Thông tư 67 vẫn có hiệu lực và Luật các TCTD sửa đổi vừa có hiệu lực không cấm bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà chỉ quy định: "Ngân hàng khi có giấy phép và bán bảo hiểm phải tuân thủ theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, tức là luật cho phép bán sản phẩm nào thì ngân hàng được phép bán sản phẩm đó".

Bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam. (Ảnh: Manulife Việt Nam).

Đại diện Manulife Việt Nam cũng chia sẻ rằng công ty đã chuẩn bị sẵn sản phẩm thay thế sản phẩm liên kết đầu tư ngay lập tức. Sản phẩm này vẫn là tử kỳ nhưng có giá trị hoàn lại và có sản phẩm bổ trợ về sức khỏe đi kèm.

Hiện tại, doanh số của kênh Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) của Manulife chủ yếu đến từ sản phẩm thay thế này. Phí thấp hơn sản phẩm đầu tư nhưng đây cũng là cách để khách hàng dùng thử để có thể yên tâm mua sản phẩm đầu tư sau này, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam cho hay.

Liên quan đến quy định mới về việc cải thiện hoạt động bán bảo hiểm của đại lý nói chung, bà Tina cho biết thay đổi lớn nhất là từ tháng 7 trở đi, hoa hồng sản phẩm bảo hiểm tối đa chỉ ở mức 30% thay vì 40% như trước đây.

Ngoài ra, cũng có một số thay đổi khác ảnh hưởng đến kênh đại lý như nhân viên phải làm nhiều bước thủ tục xác nhận khách hàng (ghi âm, ghi hình...), hay như việc thi sản phẩm liên kết giữa các đơn vị hiện tại cực kỳ khó, tỷ lệ đậu khá thấp.

Bà Tina cho rằng những thay đổi này hợp lý bởi vì trước đây tỷ lệ chia hoa hồng trong những năm đầu cao và những năm sau thấp, đại lý đi vào rồi đi ra khá nhiều. Cũng có trường hợp đại lý không tập trung nhiều vào việc chăm sóc khách hàng.

"Việc giảm hoa hồng năm đầu để củng cố nguồn lực, có thể tăng hoa hồng vào những năm sau nếu đại lý chăm sóc khách hàng tốt sẽ hướng thị trường đến mục tiêu phát triển chuyên nghiệp, lâu dài hơn", bà nói.

Theo bà, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong 25 năm vừa qua, sẽ phải đi qua giai đoạn thanh lọc để chuyên nghiệp hơn. Để đạt được kết quả này phải có sự đóng góp, vai trò của luật điều tiết thị trường. Về ngắn hạn chắc chắn ảnh hưởng đến doanh số của kênh đại lý nhưng về dài hạn sẽ tốt, niềm tin thị trường sẽ quay trở lại. 

Nguyên Ngọc