|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quy định cấm bán bảo hiểm đi kèm khoản vay có ngăn được triệt để tình trạng 'bán bia kèm lạc'?

20:30 | 04/07/2024
Chia sẻ
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó, quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay đang là một trong các nội dung được người dân đặc biệt quan tâm.

Luật cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW. (Ảnh: SBLAW).

Để hiểu rõ hơn về quy định mới này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SB Law.

Phóng viên: Một trong những điểm nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay. Quy định này cần được hiểu cụ thể như thế nào thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Từ 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành trong đó điểm nổi bật là quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay.

Theo khoản 5 Điều 15 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định về một trong các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Quy định này sẽ được hiểu cụ thể như, cấm yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn, mở tài khoản, sử dụng dịch vụ ngân hàng khác; không được gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng khi họ không mua bảo hiểm; cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm một cách sai lệch, gây hiểu lầm cho khách hàng…

Quy định này được đưa ra trong bối cảnh vài năm trở lại đây, tình trạng ngân hàng, nhân viên ngân hàng chèo kéo khách mua bảo hiểm nhân thọ kèm các khoản cho vay diễn ra phổ biến. Mức hoa hồng chiết khấu cao cho đại lý bảo hiểm nhân thọ là nguyên nhân dẫn đến ép khách vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại.

Sau khi Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính ra chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động này, nhiều khách hàng lại phản ánh bị nhân viên ngân hàng mời chào mua bảo hiểm thì mới được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trường hợp khách không mua bảo hiểm đi kèm, lãi suất của khoản vay sẽ cao hơn 1-2%/năm so với việc đồng ý mua bảo hiểm.

Theo các chuyên gia, khi ngân hàng thương mại liên kết với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm, nhân viên ngân hàng bằng mọi cách vận động khách hàng vay tiền phải mua bằng được bảo hiểm. Người không bán được thì gặp khó khăn, bị giảm chỉ tiêu thi đua.

Phóng viên: Vậy xin ông cho biết theo pháp luật hiện hành, có tồn tại loại bảo hiểm nào là bắt buộc đối với người vay vốn ngân hàng không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo Điều 8 của Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 quy định: Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

Bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này. Như vậy, hiện nay Luật không quy định bảo hiểm cho hoạt động vay vốn ngân hàng là loại bảo hiểm bắt buộc.

Đồng thời, tại Điều 15 về Bảo đảm tiền vay của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định: "Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận.

Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.

Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật”.

Có thể thấy, việc bảo đảm khoản vay bằng cách mua bảo hiểm hay bằng bất kỳ cách thức nào khác đều không có tính chất bắt buộc, xuất phát từ nhu cầu và khả năng tài chính và tùy thuộc vào thỏa thuận tự nguyện của khách hàng và ngân hàng.

Phóng viên: Theo ông, liệu quy định mới có đủ để ngăn chặn triệt để tình trạng “bán bia kèm lạc”, “ép” khách mua bảo hiểm khi vay vốn hay không, khi mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã nhanh chóng thiết kế các sản phẩm bảo hiểm mới có thể không nằm trong danh sách hạn chế bán trong thời gian tới?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Quy định mới là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, tuy nhiên, liệu nó có đủ để ngăn chặn triệt để tình trạng ép khách mua bảo hiểm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Đầu tiên là về công tác giám sát và thực thi, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ để giám sát và xử lý các hành vi vi phạm. Quy định chỉ có hiệu quả nếu được thực thi nghiêm ngặt.

Các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm một cách kịp thời và nghiêm minh. Các biện pháp xử phạt cũng cần phải đủ mạnh để răn đe các tổ chức và cá nhân vi phạm. Điều này có thể bao gồm cả phạt tiền, đình chỉ hoạt động và các biện pháp pháp lý khác.

Khách hàng cần được trang bị kiến thức và ý thức về quyền lợi của mình để có thể nhận biết và phản ánh khi bị ép buộc mua bảo hiểm. Người giao dịch với ngân hàng cần nhận thức được quyền được từ chối chính đáng của bản thân, mà vẫn phải được nhận đầy đủ dịch vụ, ưu đãi vốn được nhận của bản thân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Phương

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.