Anh và EU tìm cách khơi thông bế tắc Brexit
Thủ tướng Theresa May trả lời các câu hỏi chất vấn tại phiên họp Quốc hội ở London, Anh ngày 6/3. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Anh Theresa May đang gia tăng áp lực buộc Liên minh châu Âu (EU) phải đưa ra những nhượng bộ trong vấn đề biên giới trên đảo Ireland, hoặc đối mặt với nguy cơ nước Anh ra đi mà không có thỏa thuận, một kịch bản gây tổn hại cả tới lợi ích của EU.
Nội dung bài phát biểu của Thủ tướng May tại cuộc gặp công nhân ở cảng Grimsby (Bắc England) trong ngày 8/3, do văn phòng Thủ tướng công bố, cho thấy bà sẽ chỉ ra một số lựa chọn cho EU để đảm bảo hai bên có thỏa thuận Brexit sau cùng và chứng kiến nước Anh ra đi một cách có trật tự vào ngày 29/3 tới.
Trong bài phát biểu, bà May khẳng định chính phủ kiên trì với mục tiêu đạt được những thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý với điều khoản "rào chắn" về vấn đề biên giới trên đảo Ireland trước khi thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU đạt được hồi cuối năm 2018 được đưa ra bỏ phiếu lần hai tại hạ viện nước này ngày 12/3 tới.
Văn phòng Thủ tướng cho biết bà May nhấn mạnh trước khi các nghị sĩ Anh bước vào cuộc bỏ phiếu quan trọng vào tuần tới, cũng là lúc EU phải đưa ra lựa chọn.
Cả nước Anh và EU đều là những bên tham gia trực tiếp vào tiến trình này và việc Anh rời đi với một thỏa thuận cũng nằm trong lợi ích của EU.
Thủ tướng Anh khẳng định dù London vẫn đang tích cực làm việc với Brussels nhưng những quyết định mà EU đưa ra trong vài ngày tới sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh.
Ý kiến của bà May được đưa ra trong bối cảnh các đoàn đàm phán Anh và EU vẫn đang tích cực làm việc từ nay cho tới cuối tuần để thống nhất được những "đảm bảo cần thiết" liên quan tới điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận đã đạt được hồi tháng 11/2018.
Điều khoản giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland là vấn đề gây tranh cãi chính khiến thỏa thuận Brexit của bà May bị phản đối tại Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hồi giữa tháng Một vừa qua.
Nhiều ý kiến chỉ trích điều khoản này khiến Anh bị ràng buộc vô hạn trong liên minh thuế quan EU.
Tuy nhiên, cho tới nay các cuộc đàm phán vẫn chưa có đột phá hay kết quả cụ thể. Phát biểu khi tới Geneva tham dự hội nghị của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho rằng những ngày còn lại các cuộc đàm phán sẽ tiến triển rất nhanh và sẽ tạo ra "một thỏa thuận ly hôn tốt nhất có thể" trước ngày 29/3.
Tổng chưởng lý Tòa án tối cao Anh, Geoffrey Cox, người dẫn đầu các cuộc đàm phán về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong phát biểu ngày 7/3 cho rằng các cuộc đàm phán giữa các quan chức Anh và EU nhằm khơi thông bế tắc gần như chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tuần, trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội nước này sẽ diễn ra vào ngày 12/3 tới.
Về mặt kỹ thuật thì các bên cần chốt một thỏa thuận vào cuối ngày 10/3 để kịp công bố ngày 11/3, một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh diễn ra.
Nếu sau những nỗ lực kể trên, thỏa thuận Brexit mà chính phủ đệ trình vẫn không được thông qua, Hạ viện Anh sẽ tiếp tục bỏ phiếu về các khả năng Brexit không thỏa thuận hay trì hoãn Brexit.
Trong khi đó, Tổng thư ký của Ủy ban châu Âu, Martin Selmayr cho rằng đàm phán vẫn có thể đạt tiến triển, dù cho đến nay vẫn chưa có kết quả và EU phải kiên nhẫn chờ đợi vài ngày hoặc vài tuần.