|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ẩn số 'room' ngoại tại Vinaconex

11:14 | 05/11/2018
Chia sẻ
Nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội mua cổ phần hay không, khi Nhà nước thoái vốn tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã chứng khoán VCG)? Nếu có, thì tỷ lệ tối đa là bao nhiêu? Nếu không, liệu có thêm một thương vụ tương tự như Sabeco với hơn 70% cổ phần được bán về tay tỷ phú Thái?
an so room ngoai tai vinaconex
Trụ sở Vinaconex tại Hà Nội.

Theo công bố thông tin của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tổng Công ty cổ phần viễn thông quân đội (Viettel) về đợt đấu giá bán cổ phần tại Vinaconex, việc tham gia đấu giá cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều được ghi rằng: "Vinaconex là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề nên SCIC khuyến cáo các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu kỹ quy định pháp luật Việt Nam về giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp".

Ngày 2/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức có công văn trả lời về việc hướng dẫn thủ tục xin chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Vinaconex. Theo đó, việc chốt "room" ngoại là trách nhiệm của Vinaconex và phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo các quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC, VCG có trách nhiệm tự rà soát ngành, nghề kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sau khi xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận, Vinaconex thực hiện thủ tục chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài trước khi SCIC và Viettel bán phần vốn nhà nước tại VCG.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: hiện Vinaconex chưa thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định tại Thông tư 123/2015/TT-BTC và nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu 10,88% cổ phần VCG.

Vậy hướng xử lý thế nào khi SCIC và Viettel bán phần vốn tại VCG và nhà đầu tư nước ngoài đặt mua? Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện SCIC và Viettel hiện đều là cổ đông lớn của Vinaconex với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 57,71% và 21,28% vốn điều lệ của VCG. Việc bán phần vốn trên cho nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tuân thủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VCG theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, chiểu theo đăng ký kinh doanh của Vinaconex, có tới 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, theo qui định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6 2015 của Chính phủ, Phụ lục 4 trong Luật đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành (nghĩa là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 0%).

5 ngành nghề đó bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, theo công bố thông tin trên bảng điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tính đến thời điểm ngày 30/10/2018 thì room nhà đầu tư nước ngoài của VCG vẫn còn 168.395.551 cổ phần, tương đương 38,12%. Room này được tính trên cơ sở tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được phép trừ đi số lượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài sở hữu.

Đối chiếu với các qui định hiện hành, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VCG nên hiểu là bao nhiêu %? Hiện nay tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của Vinaconex đang là bao nhiêu %? Hướng xử lý như thế nào nếu tỷ lệ sở hữu theo luật qui định là 0%?

Vậy room nước ngoài là bao nhiêu mới đúng quy định? Trong trường hợp tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo các qui định mà bị hạn chế là 0%. Đây là những nội dung nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi nhằm tránh những rắc rối khi họ tham gia vào mua đấu giá cổ phần Vinaconex.

Xem thêm

Hoàng Xuân