Ấn Độ ngưng mua, giá tiêu lại giảm
Một vườn hồ tiêu chuẩn bị thu hoạch của người dân. Ảnh: NH |
Trang thehindubusinessline.com của Ấn Độ cho rằng, đây được xem như một biện pháp "trả đũa thương mại" sau khi Việt Nam có lệnh tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ Ấn Độ do nhiễm mọt sống nguy hiểm.
Cụ thể, ngày 1-3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định tạm ngừng nhập khẩu lạc (đậu phộng), hạt ca cao, hạt đậu cô ve và quả me từ Ấn Độ do có nguy cơ cao nhiễm mọt Caryedon serratus Olivier là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết phía hiệp hội có nhận được phản ánh của các doanh nghiệp hội viên về vấn đề này. “Chúng tôi đang liên lạc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như phía Hiệp hội Gia vị và Thực phẩm Ấn Độ để biết những hướng giải quyết trong thời gian tới”, bà Oanh cho biết.
Theo VPA, thông tin này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của doanh nghiệp sang thị trường Ấn Độ trong thời gian tới.
Sau thông tin kể trên, giá tiêu ngày 9-3 được giao dịch với mức 95.000 đồng/kg, giảm mấy ngàn đồng so với ngày trước.
Đây có thể là tin không vui cho doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và người trồng tiêu, nhưng lại là cơ hội cho những ai có ý định đầu tư, mua vào chờ thời cơ bán ra.
Trao đổi với TBKTSG Online, một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết, những thông tin xấu như trên đang mang lại cơ hội cho những ai muốn đầu cơ nông sản, đặc biệt là hạt tiêu. Giá hồ tiêu đang ở mức thấp nhấp trong mấy năm trở lại đây.
Theo Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, (Gia lai), khi giá hồ tiêu xuống dưới 100.000 đồng/kg, người trồng hồ tiêu sẽ chọn cách giữ lại, chứ không vội bán ra.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2016, giá trị xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ khoảng 79 triệu đô la Mỹ, tiếp đến là cà phê với gần 70 triệu đô la Mỹ. Đây là hai mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm giá trị lớn của Việt Nam sang thị trường này. Còn mặt hàng quế, khoai mì hay thanh long hiện vẫn chưa nằm trong danh mục thống kê về giá trị xuất khẩu hàng tháng của hải quan.