|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Amazon vào Việt Nam: Cuộc đối đầu của 'nhà vua' và những 'gã khổng lồ' Trung Quốc

14:21 | 16/01/2019
Chia sẻ
Sự hiện diện của những “gã khổng lồ” Trung Quốc sẽ khiến cho hành trình của Amazon, doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất thế giới, ở Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
amazon vao viet nam cuoc doi dau cua nha vua va nhung ga khong lo trung quoc Doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận 300 triệu khách hàng trên Amazon

Bước đệm để Amazon chính thức gia nhập thị trường Việt Nam

Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương vừa công bố thỏa thuận hợp tác với Amazon Global Selling - chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon - để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu hàng hoá thông qua thương mại điện tử (TMĐT).

Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên Amazon.com và thực hiện các chương trình đào tạo để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hoá và học kỹ năng bán hàng toàn cầu.

Từ năm 2018, Amazon Global Selling cũng đã ra mắt website Tiếng Việt để hỗ trợ doanh nghiệp, người bán lẻ có thể tạo tài khoản trên Amazon. Thời điểm đó, thông tin đồn đoán về việc Amazon gia nhập thị trường Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Đối với động thái mới đây của Amazon, tờ Bussiness Insider nhận định việc hợp tác với bên thứ ba có thể là bước đệm để Amazon chính thức thâm nhập vào thị trường Việt Nam với một nền tảng cung cấp đầy đủ các dịch vụ. Họ cũng đã áp dụng giải pháp tương tự tại các thị trường trên thế giới.

Trước khi ra mắt nền tảng đẩy đủ dịch vụ và nhà kho ở Úc, Amazon đã giúp các nhà bán hàng Úc bán hàng ra nước ngoài. Họ vận hành một trang thương mại điện tử bán điện thoại và đồ gia dụng cho bên thứ ba tại Brazil trước khi gia nhập thị trường này.

Tương tự tại Việt Nam, có lẽ Amazon đang muốn sử dụng mối quan hệ hợp tác với VECOM để tạo chỗ đứng trên thị trường, cũng như xây dựng sự quen thuộc với người tiêu dùng trước khi giới thiệu nền tảng đầy đủ với Amazon FBA, Prime.

Cạnh tranh giữa 'vua thương mại điện tử" với những tập đoàn Trung Quốc

Sự ra mắt lần này tại Việt Nam cho thấy Đông Nam Á là trọng tâm cho kế hoạch mở rộng trên toàn cầu của Amazon. Trước đó, vào 2017, Amazon lần đầu bước chân vào thị trường Đông Nam Á với sự hiện diện tại Singapore, nơi hiện diện đầy đủ cả Prime và Prime Now.

Theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô của thị trường TMĐT của 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á năm 2018 là 23 tỉ USD và với tốc độ tăng trưởng “chóng mặt”, TMĐT sẽ bỏ xa du lịch trực tuyến và dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh tế Internet ở Đông Nam Á, đạt quy mô 102 tỉ USD vào năm 2025.

Khi sự tăng trưởng của Amazon Prime đang chậm lại, mảnh đất màu mỡ ở thị trường Đông Nam Á có thể mang đến dư địa phát triển mới cho công ty của tỉ phú Jeff Bezos.

amazon vao viet nam cuoc doi dau cua nha vua va nhung ga khong lo trung quoc
Hợp tác với VECOM là bước đệm để Amazon chính thức gia nhập thị trường Việt Nam.

Riêng ở Việt Nam, TMĐT là lĩnh vực có sức bật và tốc độ phát triển mạnh nhất trong nền kinh tế Internet. Đến năm 2025, dự kiến thị trường TMĐT ở Việt Nam có giá trị 15 tỉ USD, chiếm gần một nửa quy mô nền kinh tế Internet. Đó cũng là lý do khiến cho tỉ phú Jack Ma ví thương mại điện tử Việt Nam là một mỏ vàng và đã bước chân vào thông qua sự hiện diện của Lazada.

Các tập đoàn Trung Quốc đã đi trước Amazon ở địa bàn Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Ba sàn TMĐT lớn nhất ở Việt Nam đều có bóng dáng của những công ty công nghệ đến từ Trung Quốc.

Theo Nikkei, Lazada (với 83% vốn thuộc sở hữu của Alibaba) đang chiếm 30% thị phần TMĐT của Việt Nam. Shopee (do Tencent hậu thuẫn) đang dẫn đầu về lượng truy cập ở Việt Nam. Tập đoàn JD.com cũng rót vốn cho Tiki vào đầu năm ngoái.

Vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Amazon sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Sự hiện diện của những gã khổng lồ Trung Quốc sẽ khiến cho con đường của Amazon tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn.

Xem thêm

Tuệ An