|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ám ảnh 'mùa cao điểm bay mà'

06:49 | 12/07/2019
Chia sẻ
Thay vì chỉ có cao điểm tết trước đây, giá vé hàng không đã có thêm 'mùa cao điểm hè' dựa trên cung cầu thị trường. Nhiều hành khách cho rằng hàng không cần cạnh tranh hơn nữa.
Ám ảnh mùa cao điểm bay mà - Ảnh 1.

Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất mùa cao điểm cuối năm - Ảnh: Q.THẾ

Dù xuất hiện thêm Bamboo Airways nhưng mặt bằng chung giá vé máy bay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn chưa cạnh tranh mạnh, nhất là vào mùa cao điểm tết và hè.

Ám ảnh "mùa cao điểm mà"

Về mùa cao điểm, nếu trước đây chủ yếu cao điểm dịp tết, nay anh Nguyễn Văn Hoàng - chủ đại lý bán vé máy bay cấp 2 tại quận Tân Bình, TP.HCM - cho biết giá vé máy bay vào cả tết và hè sẽ "tự động" tăng, khách phải chi trả thêm cả triệu đồng.

Ví dụ đường bay từ TP.HCM - Hà Nội giá trung bình 1,2-2,4 triệu đồng/vé vào tháng 3 đến tháng 6 hằng năm. Từ tháng 6 đến tháng 9, giá bắt đầu "nhảy múa". Cùng giờ, cùng chuyến nhưng giá có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi, thường 2,2-4,2 triệu đồng/vé. Lý do là "cao điểm".

Hiện đường bay đến các sân bay như Cát Bi (Hải Phòng), Đồng Hới (Quảng Bình), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)... giá vé cũng khá cao, thậm chí có tuyến kể trên thường xuyên trong tình trạng thiếu vé.

Đồng quan điểm, chị Trang - đại lý bán vé máy bay cấp 1 tại TP.HCM - cũng cho rằng dù tung ra nhiều khuyến mãi nhưng giá vé máy bay của các hãng vẫn còn "neo" ở mức cao, chưa xóa được mặc định "mùa cao điểm mà".

Nói về giá vé, đại diện một hãng hàng không cho biết thông thường sẽ có 12 dải giá, càng sát ngày bay giá vé tăng nhưng không vượt trần 3,7 triệu đồng/chiều/vé chặng nội địa (chưa gồm thuế, phí). Tuy nhiên, đại diện hãng bay này cũng thừa nhận nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân ngày càng nhiều.

Ám ảnh mùa cao điểm bay mà - Ảnh 2.

Dữ liệu: C.TRUNG - Đồ họa: N.KH.

Số hãng còn ít so với nhiều nước

Để giảm giờ cao điểm, theo nhiều chuyên gia, VN vẫn cần thêm hãng bay trước thực tế tăng trưởng thị trường dù có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn lớn.

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng - giám đốc dự án Công ty cổ phần hàng không Vietjet Air - cho rằng 5 năm qua, hàng không VN đạt con số tăng trưởng khoảng 29%, trong khi Trung Quốc cũng chỉ 10-15%, Thái Lan 11,1% và Hàn Quốc 10,4%.

Theo ông Tùng, VN hiện tính trung bình chỉ có 1,9 máy bay/triệu dân, trong khi Malaysia có 9,5 máy bay/triệu dân. Ông Tùng cho hay Thái Lan có thời điểm có tới 30, Indonesia có 27-28 hãng hàng không.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng dân số VN đang tiếp tục tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, mức độ hội nhập sâu rộng sẽ khiến hoạt động hàng không tăng. Việc có thêm hãng hàng không là cần thiết. 

Sau sự xuất hiện của Bamboo Airways, dù thị phần còn ít nhưng đã thấy sự "chuyển động" của các hãng như: Vietnam Airlines thay đổi chính sách hành lý, Vietjet tung ra chương trình trả góp vé máy bay... đều mới mẻ cho khách hàng.

Ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không VN - cho biết hiện Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Thiên Minh Group chưa gửi hồ sơ xin cấp phép bay. Tuy nhiên, việc có thêm những cái tên mới gia nhập sẽ làm cuộc đua giành thị phần thêm quyết liệt.

Bài toán hạ tầng sân bay

Nhiều ý kiến đồng thuận cần đảm bảo để các hãng được cạnh tranh công bằng, trên cơ sở khách hàng được lợi nhưng hạ tầng đang là điểm nghẽn.

Một chuyên gia hàng không cho biết VN hiện đang có 22 sân bay, tổng công suất chỉ khoảng 75 triệu khách/năm, chưa bằng công suất một sân bay chính ở Bangkok (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), với mức 100 triệu khách/năm.

Nếu các sân bay quá tải, có thể giảm khả năng thâm nhập thị trường, tăng cạnh tranh của các hãng bay. Thực tế việc quá tải diễn ra ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh đang giới hạn năng lực khai thác của các đơn vị hàng không.

Tình trạng quá tải đã rõ nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN - cho biết vẫn đang chờ đợi quyết định của Bộ Kế hoạch - đầu tư về việc ai sẽ là chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới


Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo VN sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.


Lợi nhuận (trước thuế) ngành hàng không đang khá hấp dẫn với những thông tin được công bố: Năm 2018, Vietnam Airlines doanh thu trên 100.000 tỉ đồng, lợi nhuận gần 2.800 tỉ; Vietjet doanh thu 53.577 tỉ đồng, lợi nhuận 5.816 tỉ đồng, vượt kế hoạch.


Sau hai năm liên tục lỗ hơn 1.000 tỉ đồng, Jetstar Pacific đã có lãi 34,3 tỉ đồng. Qúi 1/2019, lợi nhuận của Vietnam Airlines và Vietjet đều khoảng 1.500 tỉ đồng.

Công Trung