Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam
Alibaba đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Việt Nam nhằm đáp ứng các quy định pháp lý, theo Nikkei Asia. Hiện Alibaba đang phụ thuộc vào cơ sở hạ tậng của nhiều đơn vị Việt Nam.
Tập đoàn công nghệ Trung Quốc cho biết hiện tại họ đang thuê chỗ cho các máy chủ từ Viettel và VNPT. Từ tháng 10/2022, Nghị định 53 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó có quy định các loại dữ liệu Internet phải được lưu trữ tại Việt Nam đã chính thức có hiệu lực thi hành.
Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã tìm kiếm các phương án lưu trữ xuyên biên giới.
Ông Đặng Minh Tâm, Giám đốc Giải pháp tại Alibaba Cloud, cho biết công ty sử dụng dịch vụ colocation (thuật ngữ để chỉ việc thuê chỗ từ các nhà điều hành trung tâm dữ liệu - PV) hợp tác với Viettel và VNPT để lưu trữ dữ liệu của khách hàng.
Nhưng công ty Trung Quốc này cũng sao lưu dữ liệu tại các trang trại máy chủ riêng của họ nằm rải rác khắp khu vực, từ Đài Loan đến Singapore.
Ông Tâm cho biết Alibaba có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Lãnh đạo Alibaba từ chối tiết lộ mức chi phí cho dự án cũng như thời gian cụ thể. Theo Nikkei Asia, chi phí xây dựng một trung tâm dữ liệu có thể vượt quá 1 tỷ USD.
"Việt Nam là một thị trường tiềm năng rất cao và có rất nhiều dư địa để phát triển", ông Tâm nói.
Ngoài các vấn đề về chi phí, một lý do khiến các công ty như Alibaba muốn xây dựng máy chủ riêng của họ có thể là để đảm bảo tính bảo mật và kiểm soát thông tin tốt hơn.
Ông Leif Schneider, cố vấn của hãng luật Luther, cho biết trách nhiệm giải trình có thể là một vấn đề khi nhiều công ty cùng tham gia quản lý cùng một dữ liệu. Ông nói tại một hội nghị về điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu ở TP HCM tuần trước rằng các hợp đồng phải rõ ràng để có thể quy trách nhiệm cụ thể cho từng bên.
Trong khi đó, các công ty trong nước cũng chia sẻ cái nhìn lạc quan của Alibaba về thị trường. Viettel IDC cho rằng các khách hàng của họ, từ Alibaba đến Microsoft, đang yêu cầu cải thiện môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Viettel IDC gọi cách tiếp cận của mình là "ESGT", với việc sử dụng thêm công nghệ. Ví dụ, công nghệ có thể được sử dụng để theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng nước, được dùng để làm mát máy tính và có thể tạo ra chi phí lớn.
Giám đốc Kỹ thuật, Nguyễn Đình Tuấn cho biết hiện tại Viettel không sử dụng nhiều năng lượng tái tạo nhưng đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 30% lượng tiêu thụ điện năng của mình vào năm 2030. "Chúng tôi cần chuẩn bị cho sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu, đồng thời chuẩn bị cho xu hướng bền vững", ông Tuấn nói.
Viettel dự đoán thị trường trung tâm dữ liệu của quốc gia Đông Nam Á này sẽ mở rộng 15% mỗi năm trong tương lai gần và có khả năng tăng nhiều hơn nếu một công ty điện toán đám mây lớn như Alibaba đầu tư vào đó.
Mới đây, Viettel đã cho khai trường trung tâm dữ liệu mới ở Hoà Lạc - địa điểm được cho Data Center lớn nhất tại Việt Nam xét theo tổng quy mô đầu tư với tổng diện tích sàn là 21.000m2 và tổng công suất điện 30 MW, dung lượng 2.400 rack.
Sự mở rộng này một phần được thúc đẩy bởi các quy định về bảo mật dữ liệu. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây đã có các trang trại máy chủ ở Việt Nam như VNG và công ty IT CMC, cho biết sẽ xây dựng ít nhất hai trung tâm dữ liệu trong vài năm tới, có khả năng tăng gấp đôi năng lực.
Ông Darren Webb, Giám đốc điều hành của Evolution Data Centers cho biết Việt Nam nên nhìn vào Malaysia và Thái Lan khi những thị trường này đã thực sự phát triển mạnh bởi sự cạnh tranh của các các nhà đầu tư quốc tế. "Sẽ khó mà phát triển nếu các quốc gia chỉ tập trung bảo vệ thị phần nội địa. Như vậy, chiếc bánh sẽ không lớn hơn", ông Webb nói.