|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ai mua cổ phần Maritime Bank?

22:10 | 12/10/2016
Chia sẻ
Tỉ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Maritime Bank chỉ đạt 0,85%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng tương đương về quy mô vốn điều lệ

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang rao bán cổ phần trong Maritime Bank.Số cổ phần này không lớn, chỉ chiếm khoảng hơn 0,2% vốn điều lệ của Ngân hàng với tổng giá trị trên 24 tỉ đồng. Song điều đáng chú ý là mức giá khởi điểm 11.700 đồng/cổ phiếu có vẻ như cao hơn so với giá trị của Maritime Bank.

SCIC không phải là đơn vị duy nhất đặt kỳ vọng cao vào Maritime Bank. Năm ngoái, trong xu hướng thoái vốn ngoài ngành, VNPT cũng tổ chức đấu giá 75 triệu cổ phiếu Maritime Bank (tương ứng hơn 6% tỉ lệ sở hữu) nhưng không thành công. Giá chào bán khi đó tối thiểu 11.700 đồng/cổ phiếu. Đây là một trở ngại lớn cho vụ chào bán, nhưng VNPT cũng có cái khó là không được thoái vốn dưới giá trị sổ sách.

Vậy số cổ phần Maritime Bank mà SCIC bán ra lần này liệu có tìm được người mua vừa ý?

Gần đây, Maritime Bank thu hút nhiều sự chú ý khi dính vào những tin đồn bất lợi liên quan đến hoạt động của Ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã đảm bảo rằng hoạt động của Maritime Bank vẫn bình thường và thanh khoản vẫn ổn định. Maritime Bank là 1 trong 10 ngân hàng tham gia thí điểm thực hiện Basel II, tức thực hiện các tiêu chí nghiêm ngặt hơn về an toàn hoạt động ngân hàng. Theo báo cáo thường niên, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Maritime Bank cuối năm 2015 là 24,53%.

Nhưng đó vẫn chưa phải là yếu tố đảm bảo cổ phiếu của Martime Bank sẽ được giá. Ngân hàng ra đời với vai trò là “đứa con” của nhóm cổ đông lớn Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam, vì vậy sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ lĩnh vực liên quan đến hàng hải, cho dù tổng công ty này đã thoái vốn ngoài ngành và Ngân hàng đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu để “rũ bỏ” hình ảnh cũ. Mặt khác, với việc danh mục cho vay có đến gần 39% tập trung vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản và hạ tầng, chuyện Maritime Bank gặp khó trong thời gian qua là điều dễ hiểu.

Thực ra, không chỉ Maritime Bank, các cổ đông hiện hữu và tiềm năng ở nhiều ngân hàng tư nhân hiện nay ít có động cơ sở hữu cổ phiếu của ngân hàng nếu chỉ trông chờ vào các đợt chia cổ tức. Vì vậy, giao dịch dường như chỉ trông chờ vào các cổ đông lớn.

Đi sâu vào Maritime Bank, có thể thấy ngân hàng này tập trung khá nhiều nguồn lực vào ngân hàng bán buôn hơn là bán lẻ. Tỉ trọng khoản mục chứng khoán đầu tư chiếm đến 46,88% tổng tài sản, trong khi ở Sacombank là 13,58%, ABC 19,2%, Techcombank 23%, SHB 8,46%.

Tự doanh là 1 trong 3 thị trường hoạt động chính của ngân hàng, bên cạnh cho vay ra nền kinh tế, hoặc thị trường liên ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng tập trung chủ yếu vào cho vay thì tỉ trọng khoản mục này tại Maritime Bank chỉ chiếm 26,35% quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm 2015. Ở các ngân hàng tư nhân khác, cho vay vẫn là hoạt động chủ lực, chẳng hạn như Sacombank (gần 63%), ACB (65,8%), Techcombank (57,53%), hay SHB (63%). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng quy mô tài sản của Maritime Bank hiện mới chỉ bằng một nửa so với các ngân hàng trên.

ai mua co phan maritime bank

Trên thực tế, Maritime Bank gần đây đang có những thay đổi (thay Tổng Giám đốc, ra mắt các sản phẩm bán lẻ mới, mua lại ngân hàng và công ty tài chính tập trung cho vay tiêu dùng), cho thấy sự chuyển dịch nhiều hơn về hướng bán lẻ, nhưng tỉ trọng bán buôn cao hơn thì không thể giảm xuống trong một sớm một chiều. Trong khi đó, một số tài sản đầu tư giúp Maritime Bank có được nguồn tiền quan trọng. Chẳng hạn, giao dịch mua 17,5 triệu cổ phiếu quỹ hồi tháng 6 ước cần khoảng hơn 155 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế trong cả năm 2015 của Maritime Bank cũng chỉ đạt 116 tỉ đồng.

Trước đó, hồi tháng 2, ngân hàng này đã thoái khoảng 4% vốn khỏi Ngân hàng Quân Đội (để giảm tỉ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng). Chưa rõ mức giá cụ thể của thương vụ, nhưng với thị giá cổ phiếu của Ngân hàng Quân Đội khi đó, Maritime Bank có thể thu về 1.000 tỉ đồng. Ngân hàng này lại khá kín tiếng, khó mà biết được Maritime Bank còn nắm giữ tài sản có giá trị nào khác. Báo cáo tài chính cung cấp ra thị trường thường là bản tóm tắt, không có phần thuyết minh cụ thể. Tuy nhiên, trong khoản mục chứng khoán đầu tư, đầu tư vào các loại chứng khoán nợ do tổ chức kinh tế phát hành chiếm khoảng 23%, trong khi chứng khoán nợ liên quan đến Chính phủ là 61%. Đáng chú ý là Maritime Bank cũng sở hữu trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là hơn 10.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2015, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2014.

Ở khía cạnh khác, xét về mức độ hấp dẫn cổ phiếu của ngân hàng, tỉ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Maritime Bank chỉ đạt 0,85% (năm ngoái là 1,5%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng tương đương về quy mô vốn điều lệ như ACB (8,04%) hay Techcombank (9,58%), nhưng chỉ mới tăng năm 2015, trước đó lại thấp).

Hãy trở lại câu chuyện cổ phiếu Maritime Bank được SCIC rao bán. Không loại trừ khả năng Maritime Bank sẽ mua lại số cổ phiếu này, nhất là khi Ngân hàng cũng có xu hướng mua cổ phiếu quỹ. Hồi tháng 6, Maritime Bank công bố mua lại 17,5 triệu cổ phiếu với giá giao dịch bình quân là 8.900 đồng/cổ phiếu. Lần mua cổ phiếu trước đó là vào tháng 12.2014 với 6,7 triệu cổ phiếu với giá bình quân 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, Vinalines cũng bán ra hơn 20 triệu cổ phiếu Maritime Bank.

Với số cổ phiếu ít ỏi SCIC đang chào bán, Maritime Bank có thể mua vào mà không phải đắn đo nhiều. Nhưng trường hợp của VNPT thì lại khác. Cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào về số cổ phiếu Maritime Bank mà cổ đông sáng lập này đấu giá không thành công hồi năm ngoái.

Theo Thiên Phong

Nhịp cầu đầu tư

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.