Ai hậu thuẫn cho Katinat hiện diện tại hàng loạt mặt bằng vàng ở Hà Nội, Sài Gòn?
Katinat Saigon Kafe (Katinat) được thành lập từ đầu năm 2016 do CTCP Cafe Katinat vận hành. Cửa hàng của Katinat thường tọa lạc tại các vị trí đắc địa của TP HCM. Thương hiệu này luôn giữ sự kín tiếng trước truyền thông.
Đến cuối năm 2021, chuỗi cửa hàng Katinat Saigon Kafe chỉ có 10 cửa hàng tại khu vực TP HCM và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Tuy nhiên, quy mô của Katinat bắt đầu mở rộng trong năm 2022 với hàng chục cửa hàng được mở mới, tạo thành một hình ảnh quen thuộc đối với người dân thành phố.
Thống kê từ website của Katinat, chuỗi thương hiệu này đã tăng lên 78 cửa hàng hiện diện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… Điểm đáng chú ý của Katinat là chuỗi này thường chọn vị trí đặt quán tại những mặt bằng vàng đắc địa, nơi có giá thuê đắt đỏ bậc nhất.
Chẳng hạn, tại TP HCM, Katinat hiện diện dày đặc khu vực trung tâm Quận 1 như đường Đồng Khởi, Bến Bạch Đằng, đối diện Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn,… Trong khi đó tại Hà Nội, đầu năm nay chuỗi này mở cửa hàng ngay tại bờ hồ Hoàn Kiếm, cạnh nhà hàng Thuỷ Tạ nổi tiếng hay ô Yên Phụ (Ngã ba đường Thanh Niên giao với Yên Phụ),…
Có thể thấy đây là chiến lược chịu chi của Katinat trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất nhiều chuỗi đồ uống như Starbucks, The Coffee House phải trả mặt bằng thậm chí rút lui ở một số thị trường không hiệu quả.
Theo tìm hiểu, thương hiệu Katinat Saigon Kafe thuộc hệ sinh thái ẩm thực F&B của CTCPT D1 Concepts. Cùng với Katinat, đơn vị này còn sở hữu các thương hiệu đình đám như: Nhà hàng đồ ăn Quảng Đông - San Fu Lou, Nhà Hàng ẩm thực Việt - Dì Mai, Nhà hàng Nhật Bản- SORAE Sushi Sake Grill và thương hiệu cà phê CAFEDA.
Trong đó bà Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ CEO công ty Chứng khoán Vietcap, sinh năm 1976 tại Đà Lạt là chủ sở hữu hệ sinh thái này. Bà Thiên Kim là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc D1 Concepts. Bà cũng đồng thời là thành viên hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Café Katinat, Chủ tịch CTCP Phê La.
Ngoài vai trò ở các công ty khởi nghiệp, bà Kim hiện là thành viên hội đồng quản trị Sữa Quốc tế, thành viên ban kiểm soát Bến xe Miền Tây, thành viên hội đồng quản trị độc lập Thương mại – Dịch vụ Bến Thành. Trước đó, bà từng làm việc tại một số công ty chứng khoán như Bảo Việt, Ngân hàng Đông Á…
Về Katinat, thời điểm mới xuất hiện, chuỗi được lấy cảm hứng từ lối sống và văn hóa thưởng thức cà phê của Sài Gòn. Với tầm nhìn này, các cửa hàng của Katinat thường được đặt tại các góc phố giao nhau, những tuyến đường đông đúc xe cộ qua lại.
Cách chọn vị trí của Katinat Saigon Kafe thời kỳ đầu có thể khiến người dân Hà Nội liên tưởng tới những thương hiệu cà phê đường phố quen thuộc như Aha hay KAFA. Tuy nhiên, trái với phong cách cà phê vỉa hè, từ giai đoạn năm 2022 trở đi, các cửa hàng của Katinat Saigon Kafe đã thay đổi kiểu cách thiết kế, hướng tới không gian sang trọng.
Khác với những không gian nhỏ hẹp của 10 cửa hàng ban đầu, những cửa hàng mới được Katinat Saigon Kafe mở ra ở giai đoạn sau năm 2022 sở hữu mặt bằng rộng rãi hơn, có đến 2-3 tầng. Thương hiệu này cũng tiến hành thay đổi nhận diện thương hiệu, phong cách thiết kế và màu sắc của cửa hàng, hướng tới đối tượng khách hàng là GenZ.
Về menu đồ uống, tháng 4 năm nay, Katinat Saigon Kafe đã tái định vị thương hiệu của mình thành Katinat Coffee & Tea House và thực hiện chiến lược phát triển mới, tập trung vào hai dòng sản phẩm chính là trà và cà phê.
Dữ liệu từ Vietdata cho thấy đến nay Katinat đã có trong tay 1,35% thị phần toàn thị trường, với doanh thu năm 2023 đạt gần 470 tỷ đồng. Ông Hoàng Tùng, một chuyên gia trong lĩnh vực F&B đánh giá tiềm năng của Katinat là đầy hứa hẹn.
"Sau một thời gian phát triển, thử nghiệm và có những thành công khá bền vững tại khu vực TP HCM và các tỉnh miền Nam, tôi quan sát thấy Katinat sau khi nhận vốn đầu tư từ D1 Concepts đã có những bước đi rất mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ trở thành ngôi sao sắp tới của chuỗi quán cà phê Việt. Tôi nghĩ rằng sau khi đã phát triển và vững vàng tại thị trường miền Nam, việc Bắc tiến của Katinat là điều cần thiết", ông Tùng nói.
Thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường chuỗi cà phê nói riêng tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong 2023. Tính đến cuối năm ngoái, dữ liệu từ Vietdata cho thấy thị trường ăn uống ước đạt 538.500 tỷ đồng (21,6 tỷ USD), tăng 10,87% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thị trường kinh doanh quán cà phê ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 13.3%.