|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ai được hưởng lợi để cố tình làm sai hoá đơn điện?

14:41 | 28/06/2020
Chia sẻ
Đây là câu hỏi mà Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn EVN đặt ra trước nghi vấn gian lận trong tính hoá đơn tiền điện. Vị này khẳng định, nhân viên trong ngành không có động lực gì để làm sai.

“Sếp" EVN: Cán bộ điện lực không có động lực gì để cố tình… làm sai

Ai được hưởng lợi để cố tình làm sai hoá đơn điện? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân cho biết ngành điện vô cùng căng thẳng trong thời điểm tháng 6

Ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân cho biết, thời gian qua nắng nóng gay gắt, ngành điện căng thẳng trong cả vấn đề đảm bảo nguồn cung lẫn giải quyết khiếu nại, thắc mắc của khách hàng khi lượng điện tiêu thụ tăng cao.

“Tháng 5, tháng 6 năm nào cũng là thời điểm rất “nhạy cảm” với ngành điện, chúng tôi không dám thay định kỳ công tơ tầm này mà thường làm vào các tháng thời tiết lạnh", ông Phương cho biết.

Còn bà Tô Lan Phương - Trưởng ban kinh doanh EVN Hà Nội nói rằng, đơn vị này có các trung tâm kiểm định công tơ được cấp phép bởi Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam, có giấy phép hoạt động hợp pháp, có hiệu lực sử dụng. “Chúng tôi làm theo tiêu chuẩn, không bao giờ làm sai lệch chỉ số công tơ”, bà Phương khẳng định.

Trước những nghi vấn đặt ra đối với ngành điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các công tơ được đưa ra lưới, được kiểm định kẹp chì, niêm phong cẩn thận.

“Vấn đề là ai được hưởng lợi để cố tình làm sai? Người ghi số điện thì không tính hoá đơn, người làm hoá đơn thì không thu tiền điện… Đặc biệt là các công nhân, họ đâu có động lực gì để làm sai”, ông Dũng phân trần.

Người dân kiến nghị biểu giá "lỗi thời", muốn dùng điện càng nhiều càng rẻ

Vẫn là câu chuyện về tiêu dùng điện, tại cuộc kiểm tra chiều 25/6, lãnh đạo Tập đoàn EVN cùng một Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Xuân đã đến một số hộ gia đình có khiếu nại về việc hóa đơn tiền điện tăng vọt.

Một vị khách hàng lớn tuổi cũng như một số hộ dân khác quanh khu vực đều có chung thắc mắc, tại sao điện càng dùng nhiều càng đắt, không giống như những hàng hóa khác.

Nhiều người dân cũng kiến nghị việc xem xét lại sự “lỗi thời” biểu giá điện tính theo bậc thang hiện nay.

Làm rõ thắc mắc của khách hàng, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN - cho biết, phần lớn lượng điện năng hiện đang được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt là các nguồn tài nguyên có hạn nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết đối với tất cả các quốc gia.

Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với các mức giá tăng dần phản ánh mối quan hệ giữa chi phí huy động nguồn phát của hệ thống điện và việc tiêu dùng điện của hộ sinh hoạt, càng dùng nhiều điện hệ thống càng phải huy động các nguồn điện với giá thành đắt hơn.

Vụ ghi sai tiền điện lên 90 triệu đồng: Xem xét cách chức một phó giám đốc

Ai được hưởng lợi để cố tình làm sai hoá đơn điện? - Ảnh 2.

Một hộ gia đình tá hỏa vì nhận hóa đơn 90 triệu tiền điện một tháng, trong khi thực tế chỉ có vài trăm nghìn đồng

Liên quan đến vụ khách hàng bị sai tiền điện gần 90 triệu đồng, Công ty điện lực Quảng Ninh đang xem xét đề xuất kỷ luật một số cán bộ của chi nhánh điện lực Vân Đồn.

Trao đổi với Dân trí tối 24/6, một lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết: Ngày mai (25/6), hội đồng sẽ xem xét kỷ luật và đưa ra quyết định kỷ luật chính thức.

Theo vị này, công ty đang xem xét hình thức kỷ luật khiển trách đối với giám đốc chi nhánh điện lực Vân Đồn, ngoài ra xem xét cách chức đối với phó giám đốc; trưởng phòng kinh doanh và tổ trưởng kinh doanh giám sát đơn vị này.

“Những cá nhân này có vi phạm quy trình kinh doanh. Đơn vị cấp dưới đang đề xuất các hình thức kỷ luật nêu trên, chúng tôi sẽ xem xét. Quan điểm của công ty là cương quyết xử lý đối với các trường hợp sai phạm để làm gương cho các đơn vị khác”, lãnh đạo Công ty điện lực Quảng Ninh cho biết.

Một công ty Việt Nam bị World Bank cấm vận 7 năm 

Một thông tin kinh tế cũng rất được quan tâm trong tuần qua đó là việc Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã thông báo cấm vận một công ty có trụ sở tại Việt Nam là Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu không được tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn tài trợ của World Bank trong vòng 7 năm.

Nguyên nhân được cho là công ty này đã có liên quan đến các hoạt động lừa đảo và gian lận trong Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng và Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Công ty này cho biết, trong quá trình dự thầu 2 gói thầu BRT Hà nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2018), nhân viên của Sao Bắc Đẩu có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.

Theo lãnh đạo công ty, việc nhân viên của Sao Bắc Đẩu tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kỹ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp với nguyên tắc đối với các dự án của World Bank và cũng là lỗi của Sao Bắc Đẩu trong việc quản lý nhân viên của mình.

Về thư hỗ trợ dự án, Sao Bắc Đẩu nhận từ một công ty phân phối thiết bị của hãng ở Việt Nam cho các thiết bị lưu điện với giá trị chiếm khoảng 0,11 % tổng giá trị dự thầu.

“Đối với thư này, Sao Bắc Đẩu đã sơ sót khi không kiểm tra tính xác thực lại với hãng sản xuất. Cả hai gói thầu nói trên Sao Bắc Đẩu đều không là đơn vị trúng thầu” - công ty cho hay.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chưa thể vận hành, lại đến hạn... trả nợ!

Về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông , Các  nhân sự Trung Quốc hết cách ly từ 27/6. Trong tổng số 28 nhân sự thì có 23 nhân sự thuộc Tổng thầu và 5 người của đơn vị tư vấn giám sát.

Tuy nhiên, do không phải là các nhân sự thi công, vận hành nên sau khi hết cách ly theo quy định dịch tễ, các nhân sự Tổng thầu sẽ không thể bắt tay vào việc hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật để vận hành dự án.

“Họ sẽ tập trung rà soát lại hồ sơ và đánh giá về dự án, giải quyết những thủ tục tồn đọng trong thời gian bị gián đoạn dịch Covid-19 vừa qua” - đại diện Ban Quản lý dự án cho biết và thông tin thêm: Trong tháng 7 nhân sự Tổng thầu sẽ tiếp tục sang Việt Nam, dự kiến đợt tới sẽ có đội ngũ thi công, vận hành

Trong khi đó, kỳ trả hạn vốn vay sắp tới của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào ngày 21/7. Dự án đang vướng mắc trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nhà thầu chậm hoàn thiện công trình nên chưa đưa vào khai thác thương mại và tiếp tục thanh toán cho nhà thầu.

“Hà Nội là đơn vị trả nợ kỳ này nhưng do chưa bàn giao dự án trước 30/6 nên phát sinh vướng mắc. Bộ GTVT đã kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ xử lý vướng mắc” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Trung Quốc bất ngờ nhập lượng lớn phôi thép của Việt Nam, mức tăng 763%

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sắt thép xuất sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng hơn 763% về lượng, hơn 585% về giá trị so với cùng kỳ trong nước.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng số lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng cao thời gian qua chủ yếu là phôi thép.

Ông Đà cho rằng, hiện tượng xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc (cụ thể chủ yếu là phôi thép) là tín hiệu tốt cho ngành sản xuất thép Việt Nam. Trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập phôi thép từ Trung Quốc để phục vụ cho các nhà máy cán thép trong nước, song hiện nay do công suất dư thừa các doanh nghiệp sẽ tăng cường xuất khẩu ra bên ngoài.

“Mục đích xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, lấy ngoại tệ hoặc có thể giải phóng hàng tồn đọng trong nước. Xuất sang Trung Quốc cũng là điều bình thường và là bạn hàng bình thường trong các đối tác trên thế giới”, ông Đa nói.

Giá xăng tiếp tục tăng, vọt lên gần 15.000 đồng/lít 

Về thị trường, việc liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh tăng các mặt hàng xăng dầu kể từ 15h00 chiều ngày 27/6 là thông tin đáng chú ý nhất.

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh được điều chỉnh tăng 868 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 893 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu tăng ở mức nhẹ hơn. Cụ thể, dầu diesel tăng 599 đồng/lít; dầu hỏa tăng 428 đồng/lít; Dầu mazut tăng 581 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 có giá bán tối đa là 14.258 đồng/lít; Xăng RON 95 là 14.973 đồng/lít; Dầu diesel 12.114 đồng/lít; Dầu hỏa 10.038 đồng/lít; Dầu mazut 10.903 đồng/kg.

Mai Chi