|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ai chịu thiệt nhiều nhất khi Thượng đỉnh Kim - Trump không có thỏa thuận?

21:20 | 03/03/2019
Chia sẻ
Hàn Quốc là nước mất nhiều nhất khi ​​hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận.
Ai chịu thiệt nhiều nhất khi Thượng đỉnh Kim - Trump không có thỏa thuận? - Ảnh 1.

Ông Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: CNBC/Getty

Hàn Quốc là nước mất nhiều nhất khi hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận.

Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-in có thể là kẻ thua cuộc lớn nhất sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc mà không có thỏa thuận, các nhà phân tích cho biết.

Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau tại Hà Nội cho một cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 28.2. Thượng đỉnh đã bị cắt ngắn vào ngày cuối cùng sau khi cả hai bên không đồng ý phi hạt nhân hóa Triều Tiên và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng.

"Hàn Quốc là nước mất nhiều nhất khi hội nghị thượng đỉnh Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận", theo Alison Evans, phó giám đốc phụ trách rủi ro quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tại công ty tư vấn IHS Markit.

Đối với Seoul, sự cố bất ngờ vào ngày 28.2 đã làm mờ đi triển vọng bắt đầu lại các dự án liên Triều đã bị đình trệ bởi các lệnh trừng phạt, Evans viết trong một ghi chú vào ngày 28.2. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Moon cũng có thể giảm hơn nữa, bà nói thêm.

"Quan trọng là, tỉ lệ ủng hộ của ông Moon đã giảm đều đặn ... Không có tiến bộ về Triều Tiên, chương trình nghị sự trong nước của ông Moon trở thành thước đo thành công duy nhất của ông đối với các cử tri, những người đã chỉ trích chính quyền của ông vì đã không thể cải thiện các số liệu kinh tế như thất nghiệp", bà nói thêm.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, ông Moon đã chủ yếu dựa vào nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên để tăng cường ủng hộ chính trị.

Tổng thống Hàn Quốc đã gặp ông Kim ba lần vào năm ngoái. Cuộc gặp của họ vào tháng 4.2018 là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ mà các nhà lãnh đạo từ cả hai phía nói chuyện trực tiếp. Ông Moon cũng đóng vai trò chính trong việc kết nối các cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore và Việt Nam.

Trong bài phát biểu hôm 1.3, ông Moon đã cố gắng đưa ra một quan điểm tích cực cho các cuộc đàm phán thất bại ở Việt Nam.

"Tôi tin rằng hai bên đã đạt được sự đồng thuận cao hơn. Bây giờ vai trò của chúng tôi đã trở nên quan trọng hơn nữa", ông nói. "Chính quyền của tôi sẽ liên lạc chặt chẽ và hợp tác với Mỹ và Triều Tiên để giúp các cuộc đàm phán của họ đạt được một giải pháp hoàn chỉnh bằng mọi cách."

Các nhà phê bình đã công kích tổng thống Hàn Quốc, nói rằng ông đã quá tập trung vào vấn đề Triều Tiên hơn là giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách hơn ở trong nước. Sau sự cố xảy ra hôm 28.2 trong Thượng đỉnh Trump - Kim, ông Moon có thể sẽ chịu sức ép ngày càng lớn hơn, theo các nhà phân tích từ công ty tư vấn Eurasia Group.

"Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ hơn từ những người bảo thủ ở Hàn Quốc, những người từ lâu đã cho rằng ông quá mềm mỏng với ông Kim và quá lạc quan về sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa của Triều Tiên", các nhà phân tích viết trong một ghi chú hôm 28.2.

"Tin tức thất vọng về hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư và tâm lý người tiêu dùng ở Hàn Quốc thêm phần bi quan hơn", các nhà phân tích nói thêm.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã giảm mạnh vào ngày 28.2 sau khi Nhà Trắng thông báo rằng Thượng đỉnh Trump - Kim đã bị cắt ngắn.

Mạnh Đức

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.