ADB nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á lên 5,9%
Ảnh minh họa. |
Trong bản cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đối với các quốc gia đang phát triển của châu Á, gồm 45 quốc gia ở châu Á Thái Bình Dương, từ 5,7% lên 5,9% trong năm 2017. Ngân hàng cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của các quốc gia đang phát triển ở châu Á trong năm 2018 từ 5,7% lên 5,8%.
Theo ADB, tăng trưởng đã nhận được sự hỗ trợ từ sự phục hồi thương mại, với kim ngạch xuất khẩu trong khu vực tính bằng USD tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong 5 tháng đầu năm 2017. Xuất khẩu đã tăng sau 2 năm liên tiếp suy yếu vì giá hàng hóa và nhu cầu giảm.
Bên cạnh đó, ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 6,5% lên 6,7% trong năm 2017, và từ 6,2% lên 6,4% trong năm 2018. ADB cho biết việc mở rộng chính sách tài khóa và nhu cầu quốc tế tăng đột ngột là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này.
“Triển vọng tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển của châu Á đang lạc quan trở lại, nhờ sự phục hồi của thương mại thế giới và động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Những quốc gia đang phát triển của châu Á nên tận dụng lợi thế tăng trưởng trong ngắn hạn để triển khai chương trình cải cách củng cố hoạt động sản xuất, đầu tư vào những cơ sở hạ tầng cần thiết, và duy trì quản lý vĩ mô để giúp nâng triển vọng tăng trưởng trong dài hạn”, ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nói.
Ngoài ra, ADB dự báo tăng trưởng của Ấn Độ giảm còn 7% trong năm 2017 từ mức 7,1% năm 2016, sau khi quốc gia này tiến hành cải cách thuế hàng hóa và dịch vụ khiến sản xuất đi xuống.
Những rủi ro tiềm tàng đối với khu vực, gồm cả kế hoạch bình thường hóa tài sản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến nguồn vốn chảy ra khỏi khu vực, ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính của châu Á theo nhiều khía cạnh.