|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ACV được phép dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn

14:54 | 28/07/2021
Chia sẻ
Chủ trương tăng vốn nhằm tạo điều kiện cho ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
ACV được phép dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn  - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách khi dịch COVID-19 tái diễn. (Ảnh minh họa: Mỹ Linh).

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp hôm 19/7 về phương án chia cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV).

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để đầu tư tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Việc này được giải thích nhằm tạo điều kiện cho ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) giải trình, tiếp thu và hoàn thiện phương án đề xuất cụ thể về chủ trương tăng vốn cho ACV, và gửi Bộ Tài chính trong tháng 7.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tư pháp và Giao thông Vận tải đánh giá, thẩm định đề xuất tăng vốn cho ACV của CMSC, trình Thủ tướng trước ngày 15/8.

Theo số liệu trên báo cáo hợp nhất đã kiểm toán năm 2020, lợi nhuận sau thuế của ACV đạt 1.642 tỷ đồng, bằng 1/5 so với kết quả năm 2019. Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm ngoái là 9.705 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của ACV vào cuối năm 2020 là 37.565 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nguồn vốn. Trong đó vốn điều lệ được giữ nguyên từ tháng 11/2016 hơn 21.771 tỷ đồng. Tổng Công ty còn có quỹ đầu tư phát triển khoảng 6.034 tỷ đồng.

Theo Nghị định 140/2020, ACV thuộc đối tượng chỉ được trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế hằng năm và phân phối vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp. Khoản lợi nhuận còn lại sau khi trích vào quỹ phúc lợi cho người lao động, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp sẽ dùng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.

Với chủ trương mới của chính phủ, có thể trong tương lai ACV sẽ chuyển việc chia cổ tức từ tiền mặt sang cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.

Năm 2021, ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu 10.564 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 2.359 tỷ đồng.

ACV được phép dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn  - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của ACV.

Về kế hoạch đầu tư, ACV dự kiến tổng mức đầu tư các dự án xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị là 138.635 tỷ đồng. Kế hoạch vốn giải ngân đầu tư năm là 4.996 tỷ đồng.

Các dự án trọng điểm thực hiện trong năm 2021 bao gồm: Đầu tư xây dựng Nhà ga T3 – Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất; mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - CHKQT Nội Bài; Nhà ga T2 – CHKQT Phú Bài; Nhà ga hàng hóa CHKQT Đà Nẵng; CHKQT Long Thành (giai đoạn 1); Đầu tư xây dựng CHK Điện Biên.

Bên cạnh đó, ACV sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư gồm mở rộng cải tạo Nhà ga T1- CHKQT Đà Nẵng; Nhà ga T2 CHK Đồng Hới; Nhà ga T2 CHK Tuy Hoà.

Đồng thời, tổng công ty sẽ triển khai đầu tư xây dựng các nhà ga hàng hoá tại các cảng: Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi, Liên Khương, Cần Thơ, Thọ Xuân; các dự án đầu tư mở rộng cải tạo sân đỗ máy bay tại các cảng: Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới, Cam Ranh, đây chủ yếu là các dự án chuyển tiếp.

Đối với đầu tư mua sắm trang thiết bị, ACV sẽ chỉ tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công nghệ thông tin phục vụ khai thác và hệ thống trang thiết bị an ninh an toàn hàng không.

Mỹ Linh