|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ACBS: Lợi nhuận Sacombank có thể bật tăng lên 20.000 tỷ đồng sau khi hoàn tất đề án tái cơ cấu

15:34 | 16/06/2023
Chia sẻ
ACBS cho rằng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Sacombank sẽ tăng lên mức 20.006 tỷ đồng sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng.

Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TCMP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết tiến độ thanh lý các tài sản thế chấp diễn tiến chậm khiến Sacombank vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC còn lại. 

Do đó, các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2023 sẽ chỉ đạt 10.612 tỷ đồng, tăng trưởng 67,4% so với năm trước (kế hoạch của đại hội cổ đông là 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 50%).

Sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng, lợi nhuận trước thuế năm 2024 sẽ tăng lên mức 20.006 tỷ đồng, tương đương với các ngân hàng có cùng quy mô khác.

Các chỉ số khả năng sinh lời cũng sẽ cải thiện mạnh với ROA 2,1% và ROE 28,3% vào năm 2024. Ngoài ra, NIM và thu nợ ngoại bảng có thể tăng đột biến trong những năm tới khi Sacombank thanh lý thành công các tài sản thế chấp. Tuy nhiên tiến độ xử lý các tài sản thế chấp này là không chắc chắn, ACBS cho hay.

Dự kiến hoàn thành đề án tái cơ cấu vào cuối năm 2023

Trong quý I/2023, tiến độ xử lý tài sản tồn đọng còn lại của Sacombank diễn biến chậm. Giá trị của các tài sản thế chấp và khoản nợ khá lớn trong khi tình hình vĩ mô bất lợi khiến ngân hàng chưa thể xử lý thành công các khoản nợ tồn đọng này.

Do đó, các chuyên gia cho rằng Sacombank sẽ tiếp tục sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình để trích lập dự phòng cho 5,800 tỷ đồng trái phiếu VAMC còn lại từ nay cho đến hết năm 2023 để hoàn tất đề án tái cơ cấu.

 Nguồn: ACBS.

Các tài sản đang được Sacombank thanh lý này ước tính có giá trị vào khoảng 25.000 tỷ đồng tính theo giá thị trường và giá đấu khởi điểm. Như vậy, giá trị tài sản thế chấp đang cao hơn đáng kể so với giá trị tài sản tồn đọng đến cuối quý I/2023. Lợi nhuận tiềm năng từ việc thanh lý các tài sản đảm bảo này ước tính khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023, ban lãnh đạo của Sacombank cho biết có một số nhà đầu tư đang quan tâm đến khoản nợ đảm bảo bằng Khu công nghiệp Phong Phú và kỳ vọng có thể thanh lý thành công trong năm 2023.

Tuy nhiên, ACBS cho rằng tình hình thanh khoản khó khăn của nền kinh tế và lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao sẽ là những trở ngại trong việc thanh lý khoản nợ này.

Đối với lô 32,5% cổ phần STB, các chuyên gia dự kiến ngân hàng có thể tiến hành thanh lý sau khi bảng cân đối đã được làm sạch vào cuối năm 2023. Thị trường chứng khoán vào thời điểm đó có thể trở nên thuận lợi hơn và giá trị thanh lý nhiều khả năng sẽ cao hơn so với giá thị trường hiện tại.

"Việc dọn sạch tài sản tồn đọng sẽ giúp thay đổi hình ảnh của Sacombank từ một ngân hàng đang chịu gánh nặng nợ xấu thành một ngân hàng lành mạnh, từ đó giúp ngân hàng có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược mới và đặc biệt là tạo thuận lợi cho việc thanh lý lô 32,5% cổ phần STB thế chấp",  báo cáo viết.

Huyền Phương

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.