'Á quân' ngành điện chuẩn bị niêm yết HOSE với vốn hóa gần 2 tỷ USD
Vốn hoá gần 2 tỷ USD
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có quyết định chấp thuận niêm yết đối với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3), tương đương vốn điều lệ hơn 11.234 tỷ đồng.
Nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế sẽ kích thích sản lượng điện, nhóm cổ phiếu ngành điện được định giá cao hơn và thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Tính riêng trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu PGV đã tăng 47% lên thị giá 39.200 đồng/cp trên thị trường UPCoM.
Với mức vốn hoá hiện đạt 44.039 tỷ đồng (1,92 tỷ USD), Genco 3 đang nằm trong top 50 cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện trên sàn.
Genco 3 là nhà sản xuất điện quy mô lớn thứ hai cả nước, chỉ sau công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tổng công suất đạt 6.559 MW tại thời điểm cuối tháng 11. Sản lượng điện sản xuất năm 2020 chiếm 13,57% tổng sản lượng điện quốc gia.
Doanh nghiệp hiện đang quản lý nhiều đơn vị trực thuộc như Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Mông Dương và Thủy điện Buôn Kuốp, Điện mặt trời Vĩnh Tân 2.
Ngoài ra, tổng công ty cũng sở hữu hai công ty con đang niêm yết trên sàn chứng khoán là CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (Mã: BTP - tỷ lệ sở hữu 79,56%) và CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (Mã: NBP - tỷ lệ 54,76%).
Genco 3 cũng nắm giữ trên 30% vốn tại 3 công ty liên kết gồm Thuỷ điện Thác Bà (Mã: TBC), Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (Mã: VSH) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là phần vốn góp 30,55% tại Vĩnh Sơn Sông Hinh với giá trị sổ sách 609 tỷ đồng.
Vượt 86% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng
Về hoạt động kinh doanh của Genco 3, mặc dù doanh thu của công ty sụt giảm trong những năm trở lại đây, nhưng nếu không tính năm 2018, lợi nhuận sau thuế luôn tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2021.
Có thể thấy điều này trong quý III/2021, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 8.762 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 65% lên 903 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong đợt dịch bùng phát thứ 4 tại khu vực miền Nam, đã khiến sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện, gồm cả Genco 3, thu hẹp đáng kể.
Trong 9 tháng năm 2021, doanh thu hợp nhất từ hoạt động kinh doanh chính đạt 28.397 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi chênh lệch tỷ giá cùng việc tiết giảm chi phí lãi vay đã giúp lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 2.975 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.
Trong bản tin nhà đầu tư tháng 11, Genco 3 cho biết doanh thu của công ty mẹ 11 tháng ước đạt 33.073 tỷ đồng. Sản lượng điện cùng doanh thu dù giảm so với năm 2020 nhưng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 dự kiến vẫn vượt kế hoạch đề ra đầu năm.
Từ nửa đầu năm, Genco 3 đã sớm vượt 17% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2021. Với khoản lãi hơn nghìn tỷ đồng quý III vừa qua, Genco 3 hiện đã vượt 86% kế hoạch cả năm sau 9 tháng.
Quy mô tổng tài sản của công ty đạt 70.557 tỷ đồng, tương đương hơn 3,1 tỷ USD. Các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng tại Genco 3 đến cuối quý III đạt gần 5.760 tỷ đồng, chiếm 8,16% tổng tài sản của công ty.
Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của công ty đạt 70.557 tỷ đồng, tương đương hơn 3,1 tỷ USD, giảm 2.343 tỷ đồng so với đầu năm. Phần lớn tài sản đang nằm ở tài sản cố định (các nhà máy điện) với giá trị gần 45.460 tỷ đồng.
Bên phía nguồn vốn, các khoản nợ phải trả của Genco 3 tiếp tục được thu hẹp, đạt xấp xỉ 53.776 tỷ đồng, giảm 4.160 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.