|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhìn lại tham vọng đánh bại Android bất thành của Microsoft

22:30 | 02/05/2022
Chia sẻ
Microsoft từng nuôi tham vọng lớn ở mảng hệ điều hành cho di động song có nhiều lý do khiến nó đổ bể.

Kể từ khi chính thức ra mắt, Android có không ít đối thủ song mới chỉ có iOS thực sự trở thành một lựa chọn thay thế đáng gờm của hệ điều hành đến từ Google (thực tế iOS ra đời trước Android).

Một trong những đối thủ lớn của Android vào những năm 2010 là nền tảng Windows Phone của Microsoft. Phiên bản cuối cùng của hệ nền tảng này là Windows 10 Phone. Microsoft từ bỏ nền tảng này vào năm 2019 song điều này không đồng nghĩa với việc nó không để lại dấu ấn gì trong ngành công nghiệp di động.

 Microsoft từng có nhiều tham vọng ở mảng di động. (Ảnh: Windows Central).

Những nỗ lực ban đầu của Microsoft

Microsoft không lạ gì với lĩnh vực các thiết bị hỗ trợ cá nhân và smartphone khi nó ra mắt Windows Phone 7 vào năm 2010. Vào đầu những năm 2000, Microsoft cũng giới thiệu nền tảng Pocket PC vào một số phiên bản của Windows Mobile từ giữa tới cuối những năm 2000.

Dù vậy, Windows Mobile không được thiết kế với tư duy giao diện cảm ứng do Microsoft áp dụng nhiều kinh nghiệm từ việc thiết kế hệ điều hành cho máy tính và hướng đến những chiếc điện thoại có bàn phím. Thời điểm đó, Microsoft nhận thấy cần một thay đổi lớn và Windows Phone 7 ra đời.

Windows Phone 7 (2010) là một khởi đầu mới cho Microsoft. Nó mang đến một trải nghiệm cảm ứng cho người dùng thay vì cần đến các thông tin đầu vào vật lý.

Sau đó, Microsoft ra mắt Windows Phone 8 vào cuối năm 2012 với nhiều nâng cấp mà Windows Phone 7 còn thiếu sót. Một số tính năng mới có thể kể đến hỗ trợ chip 2 nhân, chia sẻ tệp tin qua Bluetooth, hỗ trợ thẻ nhớ microSD, màn hình HD, chế độ lái xe và tính năng theo dõi dữ liệu.

Rất tiếc, Windows Phone 8 không tương thích với các thiết bị Windows Phone 7. Người dùng mới mua điện thoại Windows Phone 7 vài ngày hoặc vài tháng trước đó không thể cập nhật lên hệ điều hành mới. Microsoft ra mắt phiên bản Windows Phone 7.8 đối với đối tượng người dùng này những không có các tính năng hấp dẫn nhất.

Đến năm 2014, Microsoft ra mắt Windows Phone 8.1 với hàng loạt tính năng mới như trợ lý ảo Cortana, ứng dụng Universal Windows Platform tương thích với Windows 8.1 trên máy tính, chế độ tiết kiệm pin, ứng dụng quản lý dung lượng bộ nhớ và tính năng chia sẻ Wi-Fi Wi-Fi Sense.

Những thiết bị Windows Phone 7 và Windows Phone 8 đáng chú ý nhất đến từ Nokia và Microsoft, trong đó có thể kể đến Lumia 800, Lumia Icon/930, Lumia 1020, Lumia 1520, Lumia 520 và Lumia 830. Một số nhà sản xuất như Samsung, HTC, Dell và Huawei cũng có các thiết bị chạy hệ điều hành này.

Đây là giai đoạn thành công nhất của Windows Phone khi hệ điều hành này vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới về thị phần. Ở một số quốc gia như Ý, Windows Phone thậm chí vượt qua doanh số bán hàng của iOS để có vị trí số 2 sau Android vào quý III/2013.

Microsoft đã không tận dụng tốt giai đoạn này khi huỷ ra mắt chiếc điện thoại cao cấp Lumia McLaren và bỏ lỡ những cơn hội từ sự phổ biến mà chiếc điện thoại giá thấp Lumia 520 mang tới. Khó khăn ập tới trước cả khi Microsoft kịp ra mắt Windows 10 Mobile.

Hệ điều hành di động cuối cùng của Microsoft

Microsoft giới thiệu Windows 10 Mobile vào đầu năm 2015 trước khi chính thức ra mắt những chiếc điện thoại có hệ điều hành này vào tháng 11/2015. Windows 10 Mobile có nhiều tính  năng cho thấy sự “hoà hợp” với hệ điều hành Windows 10 trên máy tính, ví dụ tính năng thông báo được đồng bộ mượt mà giữa điện thoại thông minh và máy tính.

Khác với các hệ điều hành khác, Windows 10 Mobile không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nhà sản xuất thiết bị. Ngoài bản thân Microsoft, Alcatel, Acer và HP là một trong số ít các nhà sản xuất ra mắt thiết bị cài hệ điều hành này.

Một phần của vấn đề đến từ việc Microsoft thu phí các nhà sản xuất thiết bị để có thể dùng được Windows 10 Mobile và Windows Phone. Trong khi đó, Google cung cấp Android miễn phí, thay vào đó kiếm tiền từ quảng cáo số và bán hàng số (ví dụ như ứng dụng Play Store…).

Hệ điều hành của Microsoft có gì hấp dẫn và vì sao nó thất bại?

Windows 10 Mobile mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người dùng bằng cách đơn giản hoá giao diện với giao diện Live Tile với khả năng tuỳ chỉnh cao. Bên cạnh đó, Windows 10 Mobile cũng có những trải nghiệm đồng bộ tốt giữa thiết bị máy tính và di động.

Tuy nhiên, lý do tốt nhất để mua Windows Phone vào giữa và đầu những năm 2010 là trải nghiệm camera. Các thiết bị như Lumua 950 XL mang đến chất lượng hình ảnh hàng đầu vào thời điểm đó.

Thế nhưng, có nhiều yếu tố cản bước thành công của Windows 10 Mobile. Lớn nhất trong số đó là kho ứng dụng nghèo nàn so với Google và Apple. Một nhân sự Microsoft từng chia sẻ rằng công ty đã làm mọi cách nhưng vẫn không xoá được khoảng cách quá lớn so với Android và iOS. Microsoft lên kế hoạch bằng cách thiết kế hệ điều hành hỗ trợ ứng dụng Android song nó chưa bao giờ được chính thức tung ra.

Mọi thứ còn tệ hơn khi Google từ chối thiết kế các ứng dụng trên Windows Phone kể từ thời của Windows Phone 7. Microsoft sau đó tự mình thiết kế ứng dụng YouTube riêng song phải chịu nhiều rủi ro về pháp lý từ phía Google.

Nếu xét riêng về Windows 10 Mobile, hệ điều hành này cũng có những vấn đề lớn ví dụ như giao diện lag, giật và nhiều lỗi. Ứng dụng camera cũng có lỗi khi mở ra mà Microsoft không khắc phục nhiều tháng sau khi ra mắt. Bên cạnh đó, nó cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà phát triển ứng dụng.

Mặc dù Windows 10 không thành công song không thể phủ nhận hệ điều hành này có những tác động đến ngành công nghiệp smartphone hiện tại.

Nhiều tính năng camera do Microsoft thực hiện đầu tiên đã được Android và các nhà sản xuất thiết bị đón nhận sau đó.

Nam Khánh