98% số xã công bố đã hết dịch tả heo châu Phi
Ngày 3/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020.
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.008 ổ dịch tả heo châu Phi
Hiện nay, cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày. Cả nước có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi heo tái đàn, tăng đàn heo.
Trong năm 2020, dịch tả heo châu Phi xảy ra chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn có 114 xã có dịch, Cao Bằng có 85 xã có dịch, Bắc Kạn có 64 xã có dịch, tỉnh Quảng Nam có 99 xã có dịch.
Theo ông Phạm Văn Đông, các ổ dịch chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học. Các hộ chăn nuôi lớn, gia trại, trang trại bảo đảm an toàn sinh học không để xảy ra dịch bệnh và có tốc độ tăng đàn, tái đán tốt.
Về hỗ trợ, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ tổng cộng 6.232 tỉ đồng cho phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (trong đó năm 2019 đã cấp 4.970 tỉ đồng; năm 2020 đã cấp 1.262 tỉ đồng).
Các địa phương hỗ trợ khoảng 7.000 tỉ đồng. Hiện, Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch năm 2020.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi heo tại 63 tỉnh, thành phố cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 606 tỉ đồng; miễn, giảm lãi vay 163,6 tỉ đồng dư nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất 479 tỉ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đến tháng 7 là trên 13.000 tỉ đồng.
Theo thông báo của OIE và FAO, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã và đang xảy ra tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số heo tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi hơn 5,4 triệu con.
Hiện nay, dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trong khu vực như Đông Timor, Indonesia, Philippines, Myanmar; tại Trung Quốc có 17 ổ dịch tại 9 đơn vị hành chính.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, những tháng cuối năm là thời điểm quyết định cho thắng lợi của ngành nông nghiệp.
Mặc dù vậy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao do mật độ đàn và khối lượng đàn chăn nuôi lớn. Cùng với đó, quí IV thường có khối lượng các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản luân chuyển rất lớn nên rủi ro gây ra dịch bệnh lan truyền rất cao.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu, các yếu tố cực đoan của thời tiết, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng lớn cũng là các yếu tố tác động.
Để chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung quyết liệt, đồng bộ nhóm giải pháp thú y trên tất cả nhóm đối tượng.
Trong đó, chú trọng phòng là chính, đồng bộ cả hệ thống phải vào cuộc từ khu vực quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân phải thực hiện nghiêm các quy trình về dịch tễ để đảm bảo giữ được an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Tiêu độc khử trùng phải được coi là biện pháp thường xuyên, hiệu quả. Trong thực hiện, cần chú trọng sử dụng vôi bột, bởi đây là nguyên liệu có chi phí rẻ nhưng thực tiễn mang lại hiệu quả cao".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Cục Thú y nghiên cứu đề án tổng thể vắc xin phòng, chống dịch bệnh động vật.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác khuyến nông, truyền thông về phòng chống dịch bệnh trên động vật. Đặc biệt, cần minh bạch trong thông tin về diễn biến dịch bệnh để tập trung giải pháp khắc phục, triển khai các giải pháp khống chế dịch bệnh…