|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 6 tỷ USD sang các nước CPTPP

20:58 | 28/10/2022
Chia sẻ
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang 4 nước đối tác CPTPP thuộc châu Mỹ, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile đều đạt mức tăng trưởng cao.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết sau 3 năm thực thi, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường CPTPP tăng lên nhanh chóng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu sang 4 nước đối tác CPTPP thuộc châu Mỹ, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile đạt mức tăng trưởng cao, với kim ngạch hai chiều khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2020.

Tại tọa đàm Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết, ngoại trừ với Chile là Việt Nam đã có FTA song phương kể từ năm 2014, với ba quốc gia còn lại gồm Canada, Mexico, Peru, đây là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA.

Những lợi thế về ưu đãi thuế quan trong CPTPP đã đem lại dư địa và tiềm năng lớn để doanh nghiệp Việt có thể khai thác xuất khẩu sang các thị trường mới này.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) thông tin, so với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP thì Việt Nam là nước thành viên tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.

Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. Cụ thể, tại Canada, thị phần của Việt Nam năm 2017 là 0,9 %, năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada tăng lên 1,2% và đến năm 2021 đạt 1,6%, là nước có tốc độ tăng cao nhất về mặt thị phần.

Ở Mexico, năm 2018, thị phần của Việt Nam là 0,9 %, đến năm 2021 đã tăng lên 1,7%.

Về mặt hàng xuất khẩu, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may sang thị trường Canada đã tăng trưởng tới trên 50% so với cùng kỳ năm 2021. Hay thủy sản cũng là một trong mặt hàng tận dụng cơ hội từ CPTPP để gia tăng thị phần tại các nước thành viên CPTPP, nhất là tại khu vực châu Mỹ.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tương tự, tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3%. Riêng cá tra, Mexico là thị trường nhập khẩu số ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

 Các diễn giả tại tọa đàm Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ. 

Bên cạnh việc gia tăng thị phần, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, còn cho rằng, CPTPP đã mang lại ba điểm thay đổi rất lớn đối với ngành da giày. Đó là tăng trưởng xuất khẩu.

Trước đây, khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đến nay, đã chiếm hơn 14%. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ, đây là động lực thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất. 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, thời gian vừa rồi, Việt Nam tương đối có lợi thế của của người một mình một chợ. Bởi vì, các nước đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm hàng hóa tương tự như chúng ta ở khu vực châu Á chưa có FTA với các nước Canada hay Mexico.

Từ tháng 8 năm 2022, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Canada được khởi động, nếu ký kết đi vào thực thi, thì vị trí cạnh tranh so với một số nước khác trong khu vực như Indonesia, hay Philippine sẽ không còn như hiện nay.

"Thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập Hiệp định CPTPP. Sau Vương quốc Anh, đến lượt Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Ecuador và Costa Rica... cũng xin gia nhập CPTPP. Nếu những nền kinh tế này được chấp nhận tham gia CPTPP, thì bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ thay đổi rất lớn.

Trong chừng mực nhất định sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến lợi thế của Việt Nam trong khu vực này. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị cho thời gian tới", bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Như Huỳnh

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.