|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

8 sai lầm hay mắc phải khi lần đầu khởi nghiệp

07:22 | 22/02/2017
Chia sẻ
Rất nhiều các sai lầm trong khởi nghiệp đều đến từ việc không chịu thay đổi suy nghĩ của bản thân để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Sai lầm là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là với những ai mới lần đầu khởi nghiệp. Cựu phóng viên truyền hình Christina Nicholson cũng đã trải qua nhiều sai lầm như vậy trước khi trở thành chủ của doanh nghiệp chuyên về PR Media Maven. Trong quá trình tư vấn truyền thông cho các doanh nghiệp khác, Christina cũng đã có thêm cơ hội nhìn thấy những sai lầm mà giới doanh nhân trẻ hay mắc phải. Dưới đây là 8 sai lầm thường thấy nhất mà Christina đã tổng kết được:

Sai lầm số 1: Chạy theo những mối quan hệ hời hợt

Doanh nhân Regina Anaejionu là một người kinh doanh tri thức (infopreneur), cô thường cung cấp các khóa học trực tuyến, sách và các hội thảo để giúp mọi người bắt đầu con đường kinh doanh của riêng mình. Cho tới nay, Regina đã có kinh nghiệm trong việc truyền đạt kiến thức cho hơn 10.000 người.

Regina cho biết: “Không có một doanh nhân nào xây dựng một công ty thành công chỉ dựa vào sức của mình. Có rất nhiều người sẵn sàng chỉ lối cho bạn đi và giúp bạn tiếp cận các khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, làm thế nào và khi nào để kết nối với những người như thế lại là một vấn đề khá khó khăn. Câu trả lời ở đây là đừng cố gắng tìm cách chạy theo nhờ vả họ mà không mang lại được điều gì có giá trị cho họ”.

Giải pháp ở đây là: “Hãy chịu khó kết nối với mọi người trước khi bạn muốn hoặc cần bất cứ điều gì từ họ.” Regina khuyên: “Bắt đầu tìm những cộng tác viên tiềm năng và những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực của bạn, và hãy mua sản phẩm của họ, chia sẻ nội dung của họ, tham gia vào các buổi đối thoại, đặt câu hỏi và thiết lập những mối quan hệ bền vững”.

Sai lầm số 2: Đâm đầu theo những kỳ vọng không thực tế

“Những câu chuyện kinh doanh siêu thành công thường nhận được nhiều sự chú ý và xuất hiện nhiều trên các mặt báo. Chẳng ai buồn nhắc đến những doanh nghiệp thất bại hoặc tăng trưởng chậm chạp”, Regina nói. “Truyền thông làm cho nhiều doanh nhân trẻ tự tạo ra những kỳ vọng không thực tế về năng lực của bản thân, cũng như về quá trình khởi nghiệp.”

Đừng để bị cuốn vào những kỳ vọng không thực tế. Ảnh: thecenternews.com

Giải pháp ở đây là: “Hãy cố gắng gặp gỡ trực tiếp hoặc giao lưu trực tuyến với những doanh nhân đang trong cùng giai đoạn khởi nghiệp với bạn. Hãy lắng nghe những câu chuyện của họ, từ những rắc rối mà họ gặp phải cho đến những thời khắc chiến thắng”. Regina đề nghị: “Hãy xác định rõ xem định nghĩa của bạn về thành công là gì. Khi đó, niềm hạnh phúc của bạn sẽ không phải phụ thuộc vào những câu chuyện trên mặt báo về thành công của người khác nữa”.

Sai lầm số 3: Coi thường trí tuệ cảm xúc (EQ)

Lewis Howes là tác giả quyển sách bán chạy “The School of Greatness” (Ngôi trường Vĩ đại), đồng thời cũng là một doanh nhân kiêm diễn giả. Các bản podcast của anh đã được tải về hơn 25 triệu lần kể từ năm 2013.

Theo Howes, EQ là kỹ năng bị đánh giá rất thấp bởi nhiều doanh nhân trẻ. Howes cho biết: “Càng tìm hiểu về cảm xúc của mình và cách kiểm soát chúng sẽ càng giúp chúng ta thấu hiểu được người khác. Điều này cực kỳ có ích trong các mối quan hệ, việc tuyển dụng nhân sự và hơn thế nữa”.

Giải pháp ở đây là bạn phải suy nghĩ nghiêm túc về các mối quan hệ xung quanh mình. Howes cho biết “Tôi chịu khó đi tìm những người có nhiều tiềm năng để đưa vào nhóm của mình và đầu tư vào sự phát triển của bản thân họ, điều này đã mang lại rất nhiều lợi ích về lâu dài. Nó là nhân tố giúp tôi thiết lập được nhiều mối quan hệ với những người thành công và có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình.”

Sai lầm số 4: Không dám đầu tư cho thương hiệu

Howes nhận ra rằng “Hầu hết mọi người không hiểu được giá trị của việc đầu tư vào thương hiệu và sự phát triển của bản thân. Khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, ai cũng muốn chi tiêu dè sẻn. Nhưng tôi không bao giờ hối tiếc vì đã đầu tư vào kỹ năng của chính mình, hoặc cho thương hiệu của công ty, dù cho có khó khăn về tài chính tới đâu”.

Thương hiệu là điều không được phép bỏ qua. Ảnh: davronmarketing.com

Giải pháp ở đây là đừng cố cắt giảm chi phí với những gì thực sự cần thiết. Howes khuyên: “Hãy chi tiền cho những mẫu thiết kế chất lượng cao bất cứ khi nào bạn có đủ tiền trong tay. Thời đại Internet đã biến việc thiết kế hình ảnh thành yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Hãy đi học các khóa về copywriting, thuê những nhiếp ảnh gia có trình độ và đầu tư vào chất lượng thiết kế để làm cho thương hiệu của bạn trông tuyệt vời nhất có thể”.

Sai lầm số 5: Không dành được thời gian cho việc học hỏi

Brandon Gaille là chủ nhân trang web chuyên về marketing mang tên The Blog Millionaire, hiện thu hút hơn 2 triệu lượt người xem hàng tháng.

Gaille cho biết: “Mỗi năm, tôi nhận được hàng ngàn email từ những độc giả của mình, phần lớn trong số đó là những người lần đầu khởi nghiệp. Tôi để ý thấy đa số mọi người hay ngần ngại trong việc học hỏi. Họ muốn tìm cách đi tắt, hoặc tìm một ai khác làm thay cho họ”. Theo Gaille thì đấy không phải là dấu hiệu của sự lười nhác mà là của sự thiếu kiên nhẫn trong việc phát triển bản thân: “Nếu bạn cứ có ý nghĩ như thế, bạn sẽ sớm nhận phải thất bại.”

Gaille cho biết: “Những chủ doanh nghiệp thành công luôn không ngừng học hỏi các hướng đi mới để phát triển doanh nghiệp. Họ đọc các blog về kinh doanh, nghe podcast, tham dự các hội nghị và đăng ký các khóa học kỹ năng.” Những nguồn tài nguyên như vậy giờ đây rất phổ biến và dễ dàng tiếp cận, nhưng chúng đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian để chọn lọc và tiếp thu. Tuy thời gian là thứ tương đối xa xỉ với các doanh nhân khởi nghiệp, nhưng bạn đừng bao giờ bỏ qua việc học hỏi vì nó đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nếu không chịu học hỏi mà cứ cắm đầu làm theo người khác, bạn sẽ có lúc phải trả giá. Ảnh: photobucket.com

Sai lầm số 6: Đánh giá thấp sức mạnh của Email Marketing.

Gaille khuyến cáo: “Cho dù bạn đang kinh doanh cửa hàng ngoài phố hoặc một shop online, bạn đều phải cần biết cách tận dụng email marketing”. Nhưng đáng tiếc, rất ít người biết cách để làm điều này, và nhiều người thậm chí chẳng thèm thử dù chỉ một lần.

Hãy thử suy nghĩ xem bạn có thể cho khách hàng thứ gì để đổi lấy địa chỉ email của họ. Gaille khuyên: “Cho đi một vài voucher là có thể làm được chuyện đó rồi. Từ đó, bạn có thể tiếp tục email thêm voucher cho khách hàng trước mỗi dịp lễ. Hãy bắt đầu bằng những điều đơn giản, và cung cấp cho khách hàng những thứ họ mong muốn.”

Sai lầm số 7: Không chịu hoặc không dám quảng cáo

Là một bà mẹ đơn thân, Jenn Scalia bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng và chỉ sau 3 năm, cô đã trở thành chủ của một doanh nghiệp có giá trị hàng triệu USD nhờ tài năng marketing của mình.

Theo Scalia, vẫn còn nhiều người mới khởi nghiệp nghĩ rằng “việc tự quảng bá hình ảnh của bản thân thật là kỳ khôi”. Scalia tin rằng “mạng xã hội bây giờ đã có sức ảnh hưởng quá lớn, thế nên việc tự quảng bá bản thân là điều cần thiết buộc phải làm”.

Scalia nhấn mạnh: “Mọi người cần phải biết bạn là ai, họ cần biết bạn cung cấp thứ gì và bạn cần phải mời chào họ mua những gì bạn có… Nếu bạn vẫn cảm thấy không thoải mái với việc tự quảng bá, hãy tự hỏi bản thân xem nó sẽ đem lại lợi ích gì cho khách hàng của bạn”. Tự quảng bá không có nghĩa là cứ phải tự tâng bốc bản thân mình lên. “Bạn sẽ thấy việc quảng cáo chính là cách để giúp đỡ những ai đang cần những gì bạn có tiếp xúc được với bạn”.

Sai lầm số 8: Không chịu thay đổi suy nghĩ về tiền bạc

Scalia cho biết: “Hầu hết các doanh nhân trẻ đều không chuẩn bị tốt tư duy về giá trị của tiền bạc, nhưng lại không ý thức được chuyện đó”. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đưa ra quyết định của họ. “Họ tính giá quá thấp, cảm thấy ngần ngại khi đi chào hàng, và kết quả là bị phá sản”.

Chỉ biết chạy theo giá thấp là thua, mang lại giá trị cao nhất mới là người chiến thắng. Ảnh: business2community.com

Giải pháp ở đây là: “Bạn phải hiểu rõ mình đang mang lại điều gì cho khách hàng, và khách hàng sẽ vui vẻ cho phép bạn tính tiền đúng giá trị mà bạn mang lại”. Nếu cứ nghĩ rằng mình cần phải tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi có thể đưa ra mức giá xứng tầm, có lẽ bạn sẽ không bao giờ làm được điều đó. Hãy mạnh dạn đưa ra mức giá xứng đáng với giá trị mà bạn mang lại, rồi sẽ có những người sẵn sàng trao tiền cho bạn để có thứ họ cần.

Ý Nhi