|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

70% khách hàng Việt mua sắm online bằng thiết bị di động

20:30 | 05/11/2016
Chia sẻ
Kết quả nghiên cứu của hãng công nghệ tiếp thị Criteo cho biết, cứ 10 người thì đã có bảy người mua hàng online thông qua các thiết bị di động tại Việt Nam.

Theo Criteo, trong giai đoạn 2011-2015, số hộ gia đình có máy tính bảng và điện thoại di động tại Việt Nam tăng mạnh so với các thiết bị điện tử khác như máy tính bàn hay laptop. Điều này có được là nhờ hơn 94% dân số được phủ sóng ít nhất là 3G vào năm 2015, so với bình quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 80%.

Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam cho biết điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng là thiết bị ưa thích để tìm kiếm và cập nhật các sản phẩm mới, so với máy tính xách tay hoặc máy tính bàn. Trên khía cạnh về tỷ lệ các đơn hàng thành công và tỷ lệ chuyển đổi, thiết bị máy tính xách tay hiện đang dẫn đầu với 43%, theo sau là thiết bị di động với 40%. Cho đến tháng vừa qua, cứ 10 khách hàng thì có 7 người mua hàng trực tuyến thông qua một thiết bị di động. Những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến hành vi mua sắm trực tuyến là sự tiện lợi, tính phổ biến và giá cả.

“Tại Việt Nam, hầu hết người tiêu dùng - đặc biệt là thế hệ Millennieals (Xã hội kỹ thuật số) - đã dần chuyển từ các thiết bị máy tính cố định sang các thiết bị xách tay và điện thoại di động. Kết quả là, những trải nghiệm thương mại điện tử đầu tiên của nhiều người tiêu dùng đều diễn ra trên các giao diện website được chạy trên điện thoại di động hoặc các ứng dụng bán lẻ, và đây cũng là kênh mua hàng trực tuyến của phần lớn người tiêu dùng.

Quan trọng hơn, những kết quả nghiên cứu cũng chứng minh rằng điện thoại di động hiện nay phục vụ cho cả việc mua sắm và tìm kiếm. Điều này có nghĩa rằng có cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử để tăng doanh số thông qua các khoản đầu tư đúng đắn vào các giải pháp ứng dụng và tối ưu hóa công nghệ di động”, ông Alban Villani, Giám đốc thương mại khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của Criteo nhận định.

70 khach hang viet mua sam online bang thiet bi di dong
Tăng trưởng thiết bị kỹ thuật số ở các gia đình Việt (Nguồn: Criteo)

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, gần chín trên mười khách hàng tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mua hàng trực tuyến khi họ đang ở trong các cửa hàng. Con số này nhấn mạnh rằng “showrooming” đang là một xu hướng chính tại Việt Nam. Showrooming được định nghĩa là việc đến thăm một cửa hàng truyền thống để kiểm tra sản phẩm trước khi đặt mua hàng trực tuyến.

Khi đến các cửa hàng, 58% người tiêu dùng cho biết họ đồng thời đọc các nhận xét trực tuyến về sản phẩm và so sánh giá cả để cân nhắc quyết định mua hàng. Trong khi đó, có tới 76% người tiến hành “showrooming” chọn mua hàng trực tuyến thay vì mua ngay tại các cửa hàng.

“Sự tác động lớn của xu hướng “showrooming” đã củng cố tầm quan trọng của việc bán lẻ đa kênh. Các nhà bán lẻ mong muốn chuyển đổi và giữ chân khách hàng phải tìm đến các kênh điện thoại di động để tiếp tục duy trì sự tương tác với người tiêu dùng trong hoặc sau khi họ đến thăm cửa hàng”, ông Villani nhận xét.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng các ứng dụng mua sắm được sử dụng bởi 97% người địa phương, trong đó 88% đã thực hiện giao dịch mua hàng thông qua các ứng dụng này. Ở Việt Nam, các nhà bán lẻ hàng đầu như Lazada, Zalora và Tiki… đang đầu tư khá mạnh cho các ứng dụng mua sắm của riêng mình.

“Thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua số lượng đơn hàng được thực hiện trên các thiết bị cố định như máy tính khi các nhà bán lẻ tiếp tục đầu tư vào công cụ mua hàng trên điện thoại di động trong những tháng tới. Chìa khóa để thành công là việc đảm bảo nội dung quảng cáo thương mại điện tử được sàng lọc và phù hợp với từng cá nhân”, ông Villani kết luận.

Viễn Thông

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.