|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

7 cá nhân nào được quyền mua hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Phát Đạt với giá 10.000 đồng/cp?

20:28 | 14/07/2023
Chia sẻ
Trong danh sách 7 nhà đầu tư cá nhân được mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Phát Đạt, ông Nguyễn Thanh Phong được mua nhiều nhất với 30 triệu cổ phiếu, kế đến là Phạm Thanh Điền mua 25 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch lần lượt là 4,06% và 3,38% vốn điều lệ.

 Ảnh minh họa: PDR.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) vừa công bố chi tiết về phương án chào bán gần 67,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 7 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trong đó, người được mua nhiều nhất là ông Nguyễn Thanh Phong (30 triệu cổ phiếu), kế đến là Phạm Thanh Điền (25 triệu cổ phiếu).

 Danh sách 7 nhà đầu tư cá nhân dự kiến mua cổ phần phát hành thêm của Phát Đạt. (Nguồn: PDR).

Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 47% so với mức giá 18.900 đồng/cp của cổ phiếu PDR chốt phiên 14/7. Giá trị sổ sách của PDR theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán là 12.233 đồng/cp.

Số cổ phiếu chào bán thêm này sẽ hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời điểm phát hành ngay trong năm nay.

Nếu thành công, Phát Đạt sẽ thu về gần 672 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng để thanh toán khoản nợ gốc, lãi của 7 lô trái phiếu. Trong đó, 600 tỷ đồng dùng để thanh toán nợ gốc và gần 72 tỷ đồng còn lại để thanh toán lãi dự kiến phát sinh. Thời gian dự kiến trả nợ trong quý III, IV/2023 và trong năm 2024. 

Theo công bố, 7 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành là 2.175 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này được huy động thành công trong năm 2021 và 2022 với lãi suất dao động 11,2% - 15%/năm, kỳ hạn 24 - 27 tháng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 6, nhiều cổ đông cho rằng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp chưa hợp lý và ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT, trong lúc khủng hoảng xảy ra, đích thân ông đã đi tìm đối tác để mời họ tham gia hỗ trợ công ty và việc tìm kiếm này đã diễn ra cách đây vài tháng.

“Về con số tuyệt đối, cổ đông hiện hữu nhìn thấy mình thiệt nhưng hãy nghĩ xa một chút. Vào thời điểm kiệt quệ, tôi nghi ngờ không biết chúng ta có thực hiện tăng vốn được hay không? Khi tăng vốn, chúng ta dùng tiền này để cơ cấu lại các khoản nợ, công ty thoát khủng hoảng một cách vững chắc và chúng ta sẽ tốt trong tương lai.

Tôi cho rằng nếu nghĩ dài một chút xíu thì cổ đông hiện hữu không thiệt. Tôi cũng là một cổ đông lớn của Phát Đạt. Tại thời điểm khủng hoảng xảy ra, suy nghĩ của tôi chỉ có hai điều.

Thứ nhất, có tiền để công ty vượt qua khó khăn. Tôi không cần biết mất bao nhiêu tiền, tôi sẵn sàng bán tài sản cá nhân để làm điều đó. Tôi cũng bị thiệt như tất cả các cổ đông ngồi ở đây.

Thứ hai, điều khó nhất là chúng ta phải giữ uy tín. Với bối cảnh khó khăn như vậy, công ty đã làm được cả hai việc nói trên. Để không có bất cứ rủi ro nào có thể xảy ra nữa là lý do cho đợt huy động vốn. Mong cổ đông thông cảm và chia sẻ với công ty, Chủ tịch Phát Đạt gửi gắm đến cổ đông.

Ngoài phương án phát hành riêng lẻ, công ty sẽ phát hành tối đa hơn 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp với tỷ lệ chào bán là 1:5,5 (cổ đông sở hữu một cổ phiếu được hưởng một quyền mua, mỗi 5,5 quyền mua được mua 1 cổ phiếu chào bán thêm).

Hơn 1.343 tỷ đồng dự kiến thu được sẽ được sử dụng để triển khai các dự án của Phát Đạt và của công ty con, bao gồm: Phân khu số 2 và 9 Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội – Bình Định (132 tỷ đồng); Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh – Bình Định (hơn 511 tỷ đồng); Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp – Ngô Mây, Bình Định (400 tỷ đồng); Astral City - Bình Dương (300 tỷ đồng).

Minh Hằng