6 tỷ USD của Elon Musk đủ để xóa sổ nạn đói toàn cầu hay chỉ như muối bỏ bể?
Tuần trước ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc kêu gọi các tỷ phú "đóng góp ngay bây giờ và chỉ một lần" 6 tỷ USD để giúp thế giới thoát khỏi nạn đói.
Những lời khuyến khích giới siêu giàu quyên góp cho xã hội không hiếm, nhưng câu nói của ông Beasley gây tiếng vang vì gọi đích danh Elon Musk, người mà tài sản vừa tăng sốc hơn 36 tỷ USD trong một ngày nhờ vốn hóa Tesla vượt 1.000 tỷ USD.
Elon Musk đáp trả bằng dòng tweet: Nếu Chương trình Lương thực Thế giới "có thể miêu tả ngay trên bài đăng Twitter này cách 6 tỷ USD giải quyết nạn đói thế giới như thế nào, tôi sẽ ngay lập tức bán cổ phiếu Tesla và quyên tiền".
Elon Musk cũng đòi hỏi Chương trình Lương thực Thế giới sử dụng cách kế toán công khai và "sao kê" minh bạch để công chúng có thể thấy rõ cách số tiền được phân bổ.
6 tỷ USD chỉ tương đương 1,9% tài sản ròng hiện tại của Elon Musk là 311 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg.
Thực tiễn hay viển vông?
6 tỷ USD để giúp thế giới rũ bỏ được nạn đói có thể là nhận định quá lạc quan. Theo báo cáo hàng năm của tổ chức Giving USA Foundation, chỉ riêng trong 2020 người Mỹ đã quyên tặng 471 tỷ USD làm từ thiện.
Số tiền đóng góp cho mục đích thiện nguyện của toàn thế giới hẳn là còn cao hơn nhiều. Điều này có nghĩa là nếu chỉ 6 tỷ USD đủ để xóa sổ cái đói, hẳn thế giới đã được giải thoát khỏi vấn đề này từ lâu rồi chứ chưa cần phải trông chờ vào hầu bao của Elon Musk.
Trên thực tế, các ước tính về số tiền cần thiết để chấm dứt nạn đói toàn cầu nằm trong khoảng từ 7 đến hơn 265 tỷ USD mỗi năm, theo báo cáo Viện nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) công bố năm 2018.
Còn theo nghiên cứu do chính phủ Đức tài trợ năm 2020, để xóa sổ nạn đói vào năm 2030 thì mỗi năm các chính phủ toàn cầu phải chi thêm 33 tỷ USD, tức cái giá phải trả là 330 tỷ USD.
Vì sao lại có sự chênh lệch lớn đến vậy? Nguyên nhân là các chuyên gia không đồng ý với nhau về cách chấm dứt nạn đói. Nạn đói có nhiều nguyên nhân như thời tiết xấu, dịch bệnh, chiến tranh, nghèo khổ. Không một giải pháp đơn độc nào có thể loại bỏ tất cả nguyên nhân cùng một lúc.
Có nhiều cách tiếp cận để chấm dứt nạn đói thông qua các gói đầu tư, mục tiêu, biện pháp và đường lối chính sách cụ thể khác nhau, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa các ước tính.
Cách tiếp cận 7 tỷ USD/năm tập trung vào giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng. Trong khi đó, gói 265 tỷ USD/năm nhắm mục tiêu loại bỏ nạn đói bằng cách trước nhất là xóa nghèo.
Mô hình/khuôn khổ | Mục tiêu | Khung thời gian | Chi phí hàng năm (tỷ USD) |
Không còn nạn đói | Hoàn toàn không còn nạn đói | 15 năm | 265 |
Tác động | 95% nạn đói bị xóa sổ | 15 năm | 52 |
MIRAGRODEP | 95% nạn đói bị xóa sổ | 15 năm | 11 |
Khuôn khổ đầu tư cho dinh dưỡng | Cải thiện dinh dưỡng | 10 năm | 7 |
Nguồn: Viện nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI)
Như số liệu trên cho thấy, 6 tỷ USD quyên góp một lần từ Elon Musk hay Jeff Bezos hoặc bất kỳ vị tỷ phú hảo tâm nào không đủ để xóa sổ nạn đói hoàn toàn khỏi thế giới. Ý của Giám đốc Beasley là 6 tỷ USD đủ để cứu 41 triệu người có nguy cơ chết đói trong năm nay. Còn năm sau và những năm sau nữa là một câu chuyện khác.
Theo biện pháp rẻ nhất, để xóa sổ nạn đói bằng cách giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng sẽ cần tổng cộng 70 tỷ USD, gấp hơn 11 lần số tiền mà Elon Musk tuyên bố chịu chi.
Nhưng liệu tiền tài của giới tỷ phú có đủ để thực hiện nhiệm vụ lớn lao này không? Hoàn toàn đủ. Forbes cho biết tổng tài sản ròng của các tỷ phú toàn thế giới năm 2021 tăng 5.100 tỷ USD so với năm trước. Như vậy, chỉ riêng số tiền các tỷ phú kiếm thêm được trong một năm cũng đủ để chi trả chi phí cho biện pháp tốn kém nhất là "Không còn nạn đói" và vẫn còn thừa 1.125 tỷ USD.