|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

6 ‘chìa khóa’ để giải quyết bế tắc thương mại Mỹ - Trung Quốc

07:00 | 04/05/2018
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa cử một phái đoàn gồm các cố vấn kinh tế cấp cao của mình sang Trung Quốc để thảo luận về vấn đề thương mại. Theo ông Trump, chuyến đi này là một cơ hội rất tốt để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
6 chia khoa de giai quyet be tac thuong mai my trung quoc Đàm phán thương mại Mỹ - Trung ‘nóng’ trước giờ G
6 chia khoa de giai quyet be tac thuong mai my trung quoc Giá kim loại hôm nay (3/5) đồng loạt tăng trước thềm cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc lại đang xung đột ở nhiều khía cạnh, từ thuế nhập khẩu ô tô cho tới triết lý kinh tế cơ bản. Dưới đây là 6 vấn đề lớn mà Mỹ và Trung Quốc đang mâu thuẫn.

Công nghệ

Đây thường là vấn đề không được nhắc tới trong mỗi lần đáp trả ồn ào giữa hai nước, nhưng thực tế, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại bắt đầu từ tranh chấp trong lĩnh vực công nghệ.

Năm 2017, ông Trump yêu cầu Đại diện phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer điều tra về ứng xử của Trung Quốc đối với các sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Trong bản báo cáo dài 215 trang, Phòng Thương mại Mỹ kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền sở sữu trí tuệ của Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Với kết quả này, ông Trump đã đề xuất áp thuế đối với 150 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kế hoạch “Made in China 2025” của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng được xem là một mối đe dọa lớn khác đối với Mỹ, buộc ông Trump phải mạnh tay đối với hàng hóa Trung Quốc. Kế hoạch “Made in China 2025” của Chủ tịch Tập nhằm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong mọi lĩnh vực, từ robot đến xe điện.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã cam kết mở cửa, cho phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất. Mặt khác, chính quyền Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có quyền sử dụng công nghệ để làm bàn đạp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng giống như các quốc gia đang phát triển khác đang làm.

Dư thừa thép quá lớn

Từ trước khi ông Trump đắc cử chức Tổng thống Mỹ, Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc cố tình xuất khẩu ồ ạt thép dư thừa ra thị trường thế giới với mức giá thấp hơn giá thị trường. Trên thực tế, chính sách áp thuế đối với các sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu mà ông Trump mới ban hành hồi tháng 3 cũng chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, nhằm ngăn chặn nước này bán phá giá thép ra thị trường thế giới.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới, Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã sản xuất được 832 triệu tấn thép và tiêu thụ 737 triệu tấn thép trong năm 2017. Số thép còn lại, 95 triệu tấn, lớn hơn cả tổng sản lượng thép của Đức và Pháp.

Hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực giảm sản lượng thép, và đặt mục tiêu giảm mạnh hơn trong vài năm tới. Ngoài ra, chính phủ cũng đang dần thắt chặt quy định trong ngành thép.

6 chia khoa de giai quyet be tac thuong mai my trung quoc
Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc cố tình xuất khẩu ồ ạt thép dư thừa ra thị trường thế giới với mức giá thấp hơn giá thị trường. (Nguồn: Reuters)

Mở cửa thị trường

Mỹ cho rằng doanh nghiệp nước này đang cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trên một sân chơi không công bằng. Ví dụ, Trung Quốc áp thuế 25% đối với ô tô khách nhập khẩu, trong khi Mỹ chỉ áp thuế 2,5% đối với ô tô nhập khẩu.

Mặt khác, trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ ngày càng gặp khó trong việc đầu tư vào Trung Quốc, chính quyền của ông Trump cũng đang tìm cách kìm hãm dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ, nhằm cân bằng lại cán cân FDI.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn luôn xếp ở vị trí gần cuối cùng khi xét về độ mở cửa đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ đưa Trung Quốc bước vào một giai đoạn mở cửa mới, bằng việc mở cửa thị trường tài chính và giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu.

Mỹ thâm hụt thương mại

Lâu nay, Tổng thống Trump vẫn phàn nàn về việc Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Năm ngoái, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc đã lên tới 337 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng thâm hụt của Mỹ với thế giới. Theo đó, ông Trump đã yêu cầu chính quyền Bắc Kinh giảm thâm hụt với Mỹ 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc chỉ có thể giảm xuống nếu Mỹ nới lỏng quy định xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc vì bản chất của chuỗi cung ứng toàn cầu: Trung Quốc nhập khẩu các bộ phận để lắp ráp và xuất khẩu thành phẩm về Mỹ. Chính điều này khiến thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng lớn.

6 chia khoa de giai quyet be tac thuong mai my trung quoc
Trung Quốc cho rằng, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc chỉ có thể giảm xuống nếu Mỹ nới lỏng quy định xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Nền kinh tế bị chính phủ chi phối của Trung Quốc

Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng mất cân bằng thương mại vẫn sẽ tồn tại trừ phi có sự thay đổi về động lực tăng trưởng của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Để giảm thâm hụt thương mại, người Mỹ cần phải tiết kiệm hơn và người Trung Quốc cần chi tiêu nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa rằng, Trung Quốc phải thay đổi mô hình kinh tế, vì lâu nay kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và hoạt động đầu tư lấy vốn của chính phủ. Trên thực tế, Trung Quốc đang dần đẩy mạnh việc chi tiêu và nhập khẩu nhiều hàng hóa từ nước ngoài, nhưng Mỹ lại muốn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới làm nhanh hơn nữa.

Năm 2017, chính quyền của ông Trump đã phủ nhận việc Trung Quốc được kể là một nền kinh tế thị trường. Theo Mỹ, vai trò chi phối của chính phủ Trung Quốc trên các thị trường đã làm méo mó các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế.

Năm 2013, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ để thị trường đóng vai trò chính trong việc phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, thay vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình lại thúc đẩy vai trò chi phối của các doanh nghiệp nhà nước trên thị trường trong mọi lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính cho tới sản xuất và giải trí.

Thao túng tiền tệ

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã “dán mác” thao túng tiền tệ cho Trung Quốc. Từ sau khi nhậm chức, ông Trump cũng chưa bao giờ bỏ quan điểm đó. Tháng trước, ông Trump tiếp tục cáo buộc Trung Quốc và Nga đang thao túng đồng nội tệ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang điều khiển nội tệ không theo như cách mà ông Trump cáo buộc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn cố giữ nhân dân tệ nằm dao động trong một biên độ nhất định so với USD. Năm 2015 và 2016, Trung Quốc buộc phải giải phóng tiền trong kho dự trữ quốc gia để kích thích đồng nhân dân tệ tăng giá, như không phải cố tình làm suy yếu.

Vũ Thắng