|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

6 bài học quản lý tiền bạc ý nghĩa trong đại dịch COVID-19

07:06 | 25/08/2021
Chia sẻ
Trong những khoảng thời gian khó khăn vì đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng, việc quản lý tiền bạc thông minh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện. Đại dịch đã nhanh chóng vượt qua mọi biên giới và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của hầu hết mọi quốc gia trên Trái đất. 

Bên cạnh thiệt hại về người, dịch bệnh cũng đã khiến kinh tế bất ổn, tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng, đồng thời, chúng ta cũng có thể rút ra một số bài học ý nghĩa về quản lý tiền bạc.

6 bài học về quản lý tiền bạc, tài chính cá nhân trong đại dịch

1. Hiểu được tầm quan trọng của quỹ khẩn cấp

Mặc dù đại dịch chắc chắn không xảy ra mãi mãi, nhưng luôn có nguy cơ bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào và do đó, chúng ta buộc phải có quỹ khẩn cấp cho ít nhất 2 tháng chi tiêu của mình. Lý do chính là nếu không có tiền để dành, bạn sẽ không có đủ tiền bạc để trang trải khi mất việc, giảm thu nhập trong đúng thời điểm khó khăn. Ít nhất thì quỹ khẩn cấp có thể có ích trong thời gian bạn đang cố gắng tìm một công việc khác. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong đại dịch, từ ốm đau, tai nạn đến thất nghiệp – hãy chuẩn bị trước khi điều tồi tệ không may đến.

6 bài học quản lý tiền bạc ý nghĩa trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Để quản lý tiền bạc hiệu quả, bạn không thể bỏ qua các quỹ khẩn cấp. (Nguồn: AARP)

2. Quan tâm đến các bảo hiểm chăm sóc sức khỏe

Chương trình bảo hiểm sức khỏe của bạn tại công ty, tổ chức bạn làm việc có thể không đủ để đảm bảo an toàn cho bạn. Nguyên nhân là trong lúc khó khăn vì đại dịch, doanh nghiệp có thể dừng hoạt động, đóng cửa hoặc cắt giảm nhân lực bất kỳ lúc nào. 

Nếu như bạn bị sa thải đột ngột thì gói bảo hiểm đó sẽ không còn giá trị. 

Do vậy, lời khuyên là để tiết kiệm tiền bạc về lâu dài, bạn hãy luôn luôn có kế hoạch chăm sóc sức khỏe của mình. 

Đồng thời, bạn cũng đừng quên chủ động đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe cho chính mình và người thân (các chương trình, gói bảo hiểm khác gói được mua tại nơi làm việc).

3. COVID - 19 buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc tiết kiệm nhiều hơn

Ai cũng hiểu tầm quan trọng của tiền tiết kiệm nhưng thường thì chẳng ai muốn tuân thủ việc để tiết kiệm. Thực tế, đại dịch COVID-19 đã buộc chúng ta phải cắt giảm các chi phí ít quan trọng như mua sắm thường xuyên, đi xem phim, đi du lịch, v.v. 

Thay vì ngay lập tức tiêu các khoản đó vào mua sắm online chẳng hạn, bạn hãy để tiết kiệm. Dẫu biết rằng khi đại dịch được kiểm soát, mọi thứ có thể dần phục hồi và bình thường trở lại, nhưng cũng không ai chắc chắn rằng một cuộc khủng hoảng tương tự hoặc nghiêm trọng hơn không tấn công chúng ta một lần nữa. 

Nhìn chung, quản lý tiền bạc thông minh nghĩa là bạn vẫn chi tiêu nhưng hãy cố gắng tiết kiệm nhiều hơn.

4. Đa dạng hóa đầu tư

Không thể phủ nhận rằng trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, việc chi tiêu một khoản tiền dù rất nhỏ hoặc đầu tư vào đâu cũng cần cân nhắc kỹ, cẩn thận hơn trước đây rất nhiều. 

Tuy nhiên, nếu bạn có thể là một nhà đầu tư với danh mục đa dạng thì bạn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, thậm chí là tận dụng được lợi thế để tăng các khoản lợi nhuận. 

Lưu ý là số tiền bạn đầu tư vào mỗi tài sản nên được quyết định dựa trên rủi ro bạn muốn chấp nhận chứ không phải dựa trên lợi nhuận mà nó hiện đang tạo ra – đây cũng là một mẹo quản lý tiền bạc hữu ích khác bạn nên ghi nhớ.

5. Tránh các khoản nợ lãi suất cao

Bạn không nên chọn bất kỳ khoản vay hoặc gói tín dụng cá nhân nào có lãi suất cao, đặc biệt là trong những thời điểm như COVID-19. Hãy tưởng tượng bạn bị mất việc làm giữa đại dịch và vẫn phải trả góp thường xuyên. 

Các kế hoạch lãi suất cao không phải là lựa chọn tốt nhất ngay cả khi bạn có thu nhập đều đặn, chưa nói đến thời gian bạn không có việc làm. Nếu bạn đang sử dụng thẻ tín dụng, chỉ nên chi tiêu ít nhất có thể.

6. Tuân thủ kế hoạch ngân sách chi tiêu hàng tuần, hàng tháng

Chúng ta có thể có thu nhập đều đặn và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải đối mặt với đại dịch. Thế nhưng, COVID-19 cũng đã dạy chúng ta rằng để duy trì chất lượng cuộc sống, việc tuân thủ kế hoạch chi tiêu, ngân sách hàng tuần, hàng tháng sẽ có tính chất quyết định. 

Nếu như luôn rõ ràng về tiền bạc, bạn có thể dễ dàng thích nghi. Dĩ nhiên, đừng quên cả ngân sách dành cho những khoản bất ngờ, khẩn cấp và không thể lường trước được bạn nhé.

Thu Phương