|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

5G đã được thương mại hoá nhưng lợi nhuận còn xa

16:17 | 17/10/2024
Chia sẻ
Chi phí đầu tư cho việc thương mại hoá 5G của các nhà mạng là rất lớn tuy nhiên họ cũng sẽ phải gặp nhiều thách thức trước khi thu được “trái ngọt” lợi nhuận.

Ngày 15/10, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam chính thức thương mại hoá 5G. Theo kế hoạch, tập đoàn Viễn thông quân đội sẽ triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh thành, nhưng chưa có thông tin cụ thể về khu vực được phủ sóng.

Trong khi đó, VNPT thông báo sẽ hoàn thành lắp đặt hơn 3.000 trạm phát sóng 5G trên cả nước. MobiFone nói đang triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tầng 5G phù hợp.

Thực tế, ba nhà mạng lớn đều thử nghiệm 5G từ năm 2020 nhưng chưa thể thương mại hoá. Tháng 3 năm nay, Viettel và VNPT mới hoàn tất đấu giá tần số 5G trong khi MobiFone đấu giá vào tháng 7.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kế hoạch tới năm 2025, 100% địa phương tại Việt Nam sẽ có dịch vụ di động 5G, tốc độ tối thiểu đạt 100 Mbps.

Công nhân Viettel đang làm việc với thiết bị phát sóng 5G. (Ảnh: Viettel).

Theo Qualcomm, 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.100 tỷ USD và tạo ra 22,8 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2035, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề từ sản xuất, y tế đến giáo dục... 

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 5G dự kiến tạo giá trị kinh tế khoảng 113 tỷ USD vào năm 2030. Riêng Việt Nam, theo Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, đến năm 2025, 5G đóng góp vào sự tăng trưởng GDP khoảng 7,34%.

Tuy nhiên, để đạt được lợi ích kinh tế, chi phí mà nhà mạng phải bỏ ra để triển khai 5G là không nhỏ. Sở hữu băng tần càng cao thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư càng nhiều trạm thu phát sóng khiến chi phí cho đầu tư hạ tầng tăng lên. 

Ngược lại, nếu băng tần thấp sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng, nhưng chi phí đấu giá rất cao. Chẳng hạn, Viettel chi số tiền hơn 7.500 tỷ đồng để sở hữu băng tần 2500-2600 MHz, gấp ba lần số tiền VNPT trả để sử dụng băng tần 3700-3800 MHz.

Theo Hiệp hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), điều này đặt ra cho các nhà mạng khó khăn trong việc tối ưu chi phí đấu giá băng tần 5G, chi phí triển khai hạ tầng để cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn, cạnh tranh.

Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, thách thức của mạng 5G khi được thương mại hoá còn nằm ở những thiết bị hỗ trợ của người tiêu dùng. Số lượng người dùng những thiết bị cũ chỉ hỗ trợ công nghệ 3G, 4G ở Việt Nam còn khá lớn.

Do đó, khi triển khai 5G, người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ. Điều này có thể tác động tới khả năng sẵn sàng sử dụng 5G của người dân. 

Không chỉ người dùng cá nhân, theo VDCA, phần lớn hạ tầng thông tin đang triển khai các các doanh nghiệp đều là công ngệh cũ. Để ứng dụng 5G, họ sẽ phải thay đổi hạ tầng thông tin, công tác này khá tốn kém và khiến các nhà mạng khó lòng đẩy nhanh 5G ra thị trường.

Mặt khác, các dịch vụ nội dung trên 5G hiện chưa có nhiều, chỉ có video 4K, 8K, live streaming, còn ít các dịch vụ AR, VR. Điều này cũng gây thách thức không nhỏ cho người dùng chuyển từ 4G sang 5G.

VDCA dẫn lời ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT nhận định, vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G là phương án kinh doanh hiệu quả, chứ không phải tần số hay hạ tầng. Triển khai 5G đòi hỏi đầu tư lớn nhưng có doanh thu, có lợi nhuận hay không là câu hỏi khó, không chỉ với VNPT, mà với tất cả các nhà mạng.

Những thách thức này không chỉ các nhà mạng Việt Nam gặp phải mà các công ty viễn thông trên thế giới cũng có chung câu hỏi. Theo Mckinsey&Company, khi 4G ra mắt vào năm 2009, các nhà mạng không đạt được lợi nhuận cao như với các thế hệ trước. Dù đã đầu tư vào hạ tầng 4G, doanh thu chỉ tăng trưởng chậm hoặc không đáng kể. Ở một số khu vực như châu Âu và Mỹ Latinh, doanh thu thậm chí còn giảm sau khi 4G được triển khai.

Hiện tại với công nghệ 5G, các nhà mạng trên thế giới đang rục rịch chuẩn bị với cảm xúc pha trộn giữa hy vọng và lo lắng. Họ nhận thức rõ rằng 5G sẽ mở ra cơ hội khai thác giá trị từ các ứng dụng mới và sự phát triển của Internet vạn vật (IoT). 

Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng việc đầu tư vào hạ tầng 5G sẽ tăng lên đáng kể. Đồng thời, các nhà mạng vẫn phải nâng cấp mạng 4G để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Theo phân tích tại một quốc gia châu Âu, Mckinsey&Company dự đoán rằng chi phí đầu tư mạng sẽ tăng 60% trong giai đoạn 2020 - 2025, gần như gấp đôi tổng chi phí trong giai đoạn này.

Tình thế này đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược đầu tư và lợi nhuận tương lai cho các nhà mạng. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà mạng trì hoãn việc đầu tư vào 5G, họ vẫn phải tăng chi phí hạ tầng để đáp ứng lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng. Mức tăng hàng năm từ 20% đến 50% trước đây vẫn có khả năng duy trì. Tuy vậy, chi phí này có thể tăng ở mức cao hơn, ảnh hưởng đến cường độ đầu tư.

Trong khi đó, tại Việt Nam, doanh nghiệp không thể trì hoãn bởi theo quy định, đơn vị trúng đấu giá tần số 5G phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép. Đồng thời họ phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G trong thời gian này.

Ngoài ra, trong hai năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện.

Nếu khi vi phạm cam kết về số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần được cấp trong 12 tháng. Nếu hết thời hạn đình chỉ mà doanh nghiệp không khắc phục, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép.

Đức Huy