5 phương án xây dựng cầu Cát Lái nối Đồng Nai - TP HCM, dự kiến khởi công năm 2023
Liên quan đến dự án xây dựng cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP Thủ Đức (TP HCM), Tổng công ty Tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI), đơn vị tư vấn dự án, đã đưa ra 5 phương án hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái để Đồng Nai và TP HCM xem xét lựa chọn, theo Báo Đồng Nai.
Cụ thể, theo phương án thứ nhất, dự án xây dựng cầu Cát Lái sẽ có điểm đầu tại cuối nút giao Mỹ Thủy nằm trên đường Nguyễn Thị Định. Tuyến đi trùng với đường Nguyễn Thị Định tới bến phà Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang phía huyện Nhơn Trạch.
Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi trùng với đường trục quy hoạch, cắt qua đường quy hoạch 25C và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Theo phương án này, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 11,7km.
Đối với phương án thứ hai, điểm đầu dự án có vị trí tại đường ven sông Sài Gòn. Tuyến đi dọc theo trục đường quy hoạch của khu dân cư quy hoạch Thạnh Mỹ Lợi B và cắt qua đường Võ Chí Công tại cầu Kỳ Hà 3 và 4.
Sau đó, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông, cắt qua đường quy hoạch 25C, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Chiều dài tuyến theo phương án thứ hai là hơn 10,6km.
Ở phương án thứ ba, điểm đầu tuyến nằm trên đường vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng C của cảng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Chiều dài tuyến theo phương án thứ ba là 12,4km.
Đối với hai phương án 4 và 5, điểm đầu tuyến trên địa bàn TP HCM có sự thay đổi vị trí. Theo đó, đối với phương án thứ 4, điểm đầu tuyến của dự án nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 2,4km trên địa bàn huyện Nhà Bè và quận 7, TP HCM.
Tuyến đi về phía Đông, vượt qua rạch Tắc Bà Phổ, cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng, đường Huỳnh Tấn Phát rồi vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch).
Sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Theo phương án này, chiều dài tuyến là hơn 13,7km.
Với phương án cuối cùng, điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 4km trên địa bàn huyện Nhà Bè và quận 7, TP HCM.
Tuyến đi về phía Đông, đi theo trục đường quy hoạch Kho B, vượt qua rạch Phước Long, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua Tổng kho xăng dầu Nhà Bè và vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông (H.Nhơn Trạch).
Sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Với phương án 5, chiều dài tuyến của dự án gần 13km.
Trong 5 đề xuất trên, đơn vị tư vấn TEDI kiến nghị xem xét ưu tiên đối với phương án thứ hai, bởi đây là phương án có nhiều ưu điểm.
Cụ thể, theo TEDI, qua phân tích so sánh 5 phương án tuyến cho thấy, phương án hướng tuyến thứ hai có nhiều ưu điểm hơn các phương án còn lại như: chiều dài tuyến ngắn nhất, khối lượng giải phóng mặt bằng ít nhất, chi phí xây dựng thấp nhất, tổ chức giao thông kết nối thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, để phù hợp với các quy hoạch dọc tuyến cần thiết phải điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch như: khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B, Cụm công nghiệp phía TP HCM và khu cảng Phú Hữu phía Đồng Nai.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GTVT, ông Nguyễn Bôn cho biết, đối với các phương án hướng tuyến do đơn vị tư vấn đề xuất, hiện cả Đồng Nai và TP HCM vẫn chưa thống nhất lựa chọn phương án nào mà vẫn đang tiến hành xem xét, đánh giá.
Cũng theo ông Nguyễn Bôn, đối với các phương án hướng tuyến được đề xuất, về phía Đồng Nai, việc triển khai khá thuận lợi do dự án đi qua nhiều khu vực đất trống. Do đó, hiện tiến độ dự án chủ yếu phụ thuộc vào sự đánh giá mức độ ảnh hưởng để lựa chọn phương án tối ưu nhất từ phía TP HCM.
Đánh giá về thời điểm có thể khởi công dự án, ông Nguyễn Bôn cho rằng, nếu hai địa phương sớm thống nhất được phương án hướng tuyến thì dự án có thể triển khai xây dựng được vào cuối năm 2023.
“Nếu TP HCM sớm thống nhất được phương án hướng tuyến thì Đồng Nai sẽ khẩn trương lập hồ sơ dự án để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm 2023”, ông Nguyễn Bôn cho hay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/