|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề nghị xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức PPP

12:01 | 13/04/2020
Chia sẻ
Đây là đề xuất của liên doanh nhà đầu tư vừa trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét.

Thông tin từ Báo Đồng Nai cho biết, liên doanh Tổng Công ty IDICO và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 6 đã có đề xuất về việc nghiên cứu triển khai dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái (nối quận 2, TP HCM với huyện Nhơn Trạch) theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Sau khi tiếp nhận ý kiến của liên doanh nhà đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Các tiêu chi này sẽ trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận, làm cơ sở đăng tải thông tin lựa chọn nhà đầu tư và lập đề xuất dự án theo qui định. UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20/4.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất lựa chọn hai vị trí xây dựng cầu Cát Lái.  Theo phương án 1 (hồ sơ trình bổ sung qui hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2 (TP HCM), sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Còn theo phương án 2, cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450 m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1 km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2 (TP HCM), sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Ở cả hai phương án này, cầu Cát Lái được đề xuất lựa chọn xây dựng với qui mô có 4, 6 hoặc 8 làn xe. Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ làm việc với các cơ quan chức năng TP HCM để lựa chọn phương án thực hiện.

Trước đó, đầu năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị đến Chính phủ về hình thức triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT cho toàn bộ dự án không khả thi do nguồn vốn lớn. Vì vậy, tỉnh kiến nghị tách dự án làm ba dự án thành phần.

Trong đó, phần đường dẫn phía TP HCM dài 632m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60m, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao UBND TP HCM triển khai thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m, quy mô mặt cắt ngang rộng 56m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT.

Còn phần cầu chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BOT. Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT. Quỹ đất trả cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT này sẽ nghiên cứu sử dụng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nguyên Ngọc