|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 điều đơn giản để tiết kiệm được hơn 1.000 USD trong vài tháng

08:03 | 01/06/2021
Chia sẻ
Cô gái trẻ ở Mỹ đã chia sẻ về 5 điều đơn giản, dễ thực hiện mình học được trên TikTok, giúp tiết kiệm hơn 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) trong vòng vài tháng.

TikTok là một nơi thú vị để giải trí nhưng với Jen Glantz, đó còn là nơi giúp cô học được nhiều điều thú vị về quản lý tài chính cá nhân và tiết kiệm tiền. 

Chia sẻ với Business Insider, Glantz nói: "Tôi không xấu hổ khi thừa nhận rằng mình đã dành nhiều thời gian chất lượng trên TikTok. Tôi nói điều đó với sự tự hào vì tôi thường có được những mẹo thú vị sau khi dành 30 phút trên nền tảng truyền thông xã hội này".

"Một số điều giá trị nhất mà tôi đã học được liên quan đến tài chính. Lời khuyên đó đã thúc đẩy tôi thay đổi chiến lược đầu tư của mình, khuyến khích tôi sắp xếp mọi thứ vào đầu năm nay cho các khoản thuế và dạy tôi một số cách thú vị để tiết kiệm nhiều hơn vào năm 2021", Glantz tiếp tục. 

Tôi có một mục tiêu tiết kiệm lớn là để dành ít nhất 21% thu nhập của mình trong năm nay và để làm được điều đó, tôi đã thử một số mẹo mà tôi học được trên TikTok. Cho đến nay, tính đến tháng 5/2021, chúng đã giúp tôi tiết kiệm được 1.000 USD.

Bài học từ TikTok cho việc để tiết kiệm

1. Tạo và tuân thủ ngân sách

Glantz biết rằng, để đạt được mục tiêu tiết kiệm trong năm, cô sẽ phải nghiêm túc tuân thủ ngân sách. Đây là điều mà trước đây cô chưa bao giờ có thể làm được. Cô thường viết ra ngân sách trên giấy và cuối cùng đã bỏ qua chúng chỉ trong một vài tháng.

Học từ TikTok cách tiết kiệm tiền - Ảnh 1.

Jen Glantz chia sẻ bài học tiết kiệm học được từ TikTok. (Nguồn: Adam Kossoff)

Sau đó, cô tình cờ tìm thấy một vài mẫu ngân sách trên TikTok có vẻ thiết thực, dễ hiểu và đơn giản để cập nhật hàng tuần. Cô đã bắt đầu sử dụng một mẫu từ TikTok vào tháng 1/2021 và đã gắn bó với nó kể từ đó cho đến nay. 

Glantz nhất quán với việc theo dõi chi tiêu của mình so với ngân sách đã đặt cho từng danh mục. Làm việc này hàng tuần đã giúp cô đạt được mục tiêu tiết kiệm, giúp để dành nhiều hơn thêm 50 USD tháng.

2. Cách cắt giảm hóa đơn hàng tháng

Khi Glantz viết ra các khoản chi phí định kỳ hàng tháng của mình, có một số hóa đơn mà cô thực sự muốn cắt giảm như điện thoại, truyền hình cáp, internet, v.v.). Cô không chắc chắn về cách đúng đắn để có thể trả ít hơn cho một số dịch vụ. Cuối cùng, cô đã tìm kiếm trên TikTok các video mẹo về cách giảm hóa đơn và sau tất cả, cô có thể giảm tới 25 USD hóa đơn điện thoại một tháng trong khi hóa đơn truyền hình cáp và internet giảm xuống 10 USD một tháng.

3. Những thử thách thú vị và tiết kiệm đột xuất

Dĩ nhiên, việc tăng số tiền tiết kiệm sẽ là một thử thách với tất cả mọi người. Glantz quyết định tìm kiếm trên TikTok những thử thách độc đáo và khác thường để lưu tâm hơn đến việc tiết kiệm hàng tháng. Một thử thách mà cô đã thấy là nó yêu cầu người tham gia viết các số tiền khác nhau trên phong bì và sau đó, trong một khoảng thời gian nhất định, bạn đặt số tiền mặt đó vào phong bì.

Glantz đã làm một phiên bản của điều này trong tháng 4 và có thể tiết kiệm được tới 300 USD. Mỗi ngày, cô sẽ lấy một phong bì và bỏ số tiền mặt đó vào, trong khi cắt giảm một khoản chi tiêu nào đó tương ứng. 

Chẳng hạn như, với ngày thử thách để 5 USD, cô đã không uống café buổi sang và khi cần để dành 30 USD, cô quyết định tự làm bữa tối thay vì đi ăn ngoài hàng. Đó là một cách thú vị và dễ dàng để tiết kiệm vài trăm USD trong một khoảng thời gian ngắn theo cách rất hữu tâm và trực quan.

4. Quy tắc 50/30/20

Quy tắc 50/30/20 là một chiến lược đã có từ lâu để chia nhỏ chi tiêu và tiết kiệm. Bản thân Glantz cũng đã từng nghe nói về nó, nhưng phải đến khi cô tình cờ xem được một video trên TikTok giải thích chi tiết thì cô mới hiểu nó là gì và đã thử nghiệm trong thực tế.

Đầu tiên, cô lấy thu nhập hàng tháng của mình và chia nhỏ nó ra như sau: 50% sẽ được sử dụng cho các nhu cầu cần thiết (tiền thuê nhà, thực phẩm, v.v.), 30% sẽ được sử dụng cho những thứ cô muốn (mua sắm, du lịch, v.v.) và 20% sẽ để tiết kiệm hoặc đầu tư.

Bởi vì mục tiêu tiết kiệm của Glantz khá tham vọng nên cô đã chi tiêu chỉ 40% thu nhập cho nhu cầu cần thiết, 40% cho tiết kiệm hoặc đầu tư và chỉ 20% cho những thứ cô muốn. Sử dụng chiến lược này là một cách tuyệt vời để lập ngân sách và tìm ra cách chia nhỏ số tiền mình có, tiết kiệm nhiều hơn.

5. Săn ưu đãi

Trong tháng 3, Glantz quyết định bắt đầu lên kế hoạch cho một số chuyến đi và kỳ nghỉ trong tương lai, có thể là cuối năm 2021. Cô nhận thấy rằng một chuyến đi sẽ làm tiêu tốn ngân sách và khiến một số mục tiêu tiết kiệm bị tạm dừng. 

Đó là khi cô bắt đầu nghiên cứu các mẹo tiết kiệm khi đi du lịch và tìm thấy video hướng dẫn săn vé máy bay giá rẻ (không phải ai cũng biết); các cách kiếm điểm để giảm giá, săn ưu đãi... Cuối cùng, chúng đã giúp cô tiết kiệm gần 400 USD cho 3 chuyến đi khác nhau mà cô đã lên kế hoạch (đặt vé, đặt phòng, thuê xe).

Thu Phương