|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiết kiệm tiền bằng cách xóa bớt ứng dụng trên điện thoại

06:48 | 30/01/2021
Chia sẻ
Nhiều kiểu ứng dụng trên điện thoại có thể kích thích chúng ta mua sắm nhiều hơn, do đó, lựa chọn xóa bớt chúng cũng là một trong những cách tiết kiệm tiền.

Tác giả bài viết chia sẻ mẹo quản lí tài chính cá nhân trên Business Insider Jen Glantz nói rằng, cô là một người có mối quan hệ "không lành mạnh" với điện thoại. Thiết bị điện tử này ở bên cạnh cô mọi lúc mọi nơi, trừ khi đi tắm. 

Vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động bị gián đoạn thì điện thoại lại càng đồng hành nhiều hơn mỗi giây phút. Glantz nhận ra rằng càng dùng điện thoại nhiều thì ví tiền càng bị ảnh hưởng và nếu muốn tiết kiệm thì xóa bớt một số ứng dụng trên máy là lựa chọn không tồi. Với lựa chọn đơn giản như vậy, cô đã tiết kiệm được hơn 1.000 USD (tương đương hơn 25 triệu đồng).

Những kiểu ứng dụng nên xóa hoặc hạn chế sử dụng để tiết kiệm tiền

1. Ứng dụng mua sắm trực tuyến

Danh mục ứng dụng đầu tiên mà Glantz đã xóa là app được dùng để mua sắm trực tuyến. Thật dễ dàng để nghĩ ra thứ gì đó chúng ta cần hoặc muốn mỗi khi lướt mạng và thậm chí điều này còn dễ dàng hơn với các ứng dụng thương mại điện tử, chỉ cần tìm và nhấp vào thanh toán.

Tiết kiệm tiền bằng cách xóa bớt ứng dụng trên điện thoại - Ảnh 1.

Một số ứng dụng trên điện thoại có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm của bạn. Ảnh: Kultejas News

Theo Glantz, cô nhận ra rằng hơn 75% giao dịch mua hàng của bản thân đã được thực hiện thông qua các ứng dụng mua sắm đều là những thứ không thực sự cần thiết. Cụ thể, mỗi khi và mua giấy vệ sinh, khăn tắm, … - các nhu yếu phẩm thì cô lại vô tình làm đầy giỏ hàng với một loạt những sản phẩm khác mà sau đó cô nhận ra mình không cần đến. Cuối cùng, cô nhận ra rằng nếu không có những ứng dụng này trên điện thoại thì sẽ ít bị cám dỗ hơn khi mua sắm trực tuyến và có thể loại bỏ thói quen mua sắm bốc đồng.

2. Xóa bớt game yêu cầu nạp thẻ, trả phí trang bị

Thông thường, càng khi có nhiều thời gian rảnh thì chúng ta càng dễ dành nhiều thời gian vào các hoạt động giải trí như xem chương trình truyền hình mới và chơi game và rõ ràng điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch tiết kiệm. Glantz chia sẻ rằng, suốt năm 2020, cô đã không nhận ra rằng mình tốn kém thế nào cho game sau khi nhận bảng sao kê thẻ tín dụng. Các khoản chi phí tưởng chừng như rất nhỏ để nạp game, nâng cấp thiết bị trong game dù chỉ là kim cương trị giá 4,99 USD hay thêm 0,99 USD để nâng cấp thì một tháng, những giao dịch này cũng có thể khiến bạn mất tới 30 USD (khoảng 800 nghìn đồng).

Cách duy nhất để chấm dứt thói quen chơi game cần nạp tiền và mua mới, nâng cấp thiết bị này là bạn hãy thử xóa bớt game trên điện thoại. Nếu không, rất có thể những khoản tiền vài trăm nghìn hay đến cả triệu bạn bỏ ra mỗi tháng sẽ gần như trở thành cố định. Hãy tưởng tượng cứ như vậy một năm thì bạn sẽ mất thêm bao nhiêu tiền? Thay đổi thói quen, xóa bớt ứng dụng game chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn kha khá.

Câu hỏi lúc này là vậy bạn nên thay thế các trò chơi di động yêu quí của mình bằng gì? Bạn hoàn toàn có thể chuyển sang những game có vẻ hơi "lỗi thời" nhưng đổi lại không quá tốn kém. Dĩ nhiên là trong trường hợp bạn thực sự muốn tiết kiệm tiền.

3. Xóa bớt ứng dụng giao đồ ăn cũng giúp tiết kiệm tiền

Trước đại dịch, Glantz đã cố gắng hạn chế sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn xuống khoảng 2 lần một tuần (thường là vào cuối tuần). Tuy nhiên, khi đại dịch hoành hành và cô cảm thấy mệt mỏi vì phải nấu tất cả các bữa ăn, cô đã tăng tần suất đặt đồ ăn ít nhất 1 lần mỗi ngày. Thậm chí, có một số ngày cô đặt cả 3 bữa qua các ứng dụng này. Đó là cách "chữa trị" tuyệt vời nhất khi thấy đói nhưng lại chán những thực phẩm có sẵn trong tủ lạnh nhưng hãy nghĩ đến việc bạn có tốn gấp 3 lần số tiền chi cho thực phẩm nếu tự nấu. Sau đó, bạn hãy nghĩ đến khoản tiền tiết kiệm mà đáng ra có thể để dành được nếu chăm chỉ hơn một chút.

Thật khó để có thể xóa bớt ứng dụng giao đồ ăn khỏi điện thoại và Glantz cũng không khuyên mọi người hoàn toàn từ bỏ việc đặt đồ ăn. Tuy nhiên, hãy hạn chế tối đa các hoạt động như vậy, thay vì có tới 3, 4 ứng dụng, bạn chỉ nên dùng 1, 2 app thôi (để hạn chế tình huống bị cám dỗ vì các lựa chọn bổ sung) và đặt mục tiêu chỉ chi bao nhiêu tiền đặt đồ ăn ngoài mỗi tuần. Với Glantz, cô tự qui định mỗi tuần sẽ tiêu không quá 45 USD và cuối cùng, cô tiết kiệm trung bình 80 USD 1 tháng (khoảng 2 triệu đồng).

Thu Phương