48 tỉnh thành có gần 1.500 dự án chậm triển khai trong 2018
Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào hôm nay (ngày 31/5), phóng viên đặt câu hỏi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc xử lý các dự án chậm tiến độ và bỏ hoang đất hiện nay.
Năm 2018, 48 tỉnh, thành đã rà soát gần 1.500 dự án chậm triển khai; xử lý gần 23.000 ha đất, trong đó đã thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư gần 15.000 ha đất. (Ảnh minh họa: N. Lê)
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, Bộ đã trình Chính phủ Chỉ thị số 01/2019 chỉ đạo các địa phương rà soát lại các dự án chậm tiến độ, đồng thời rà soát lại điều kiện để doanh nghiệp được giao đất (phải đủ tiềm lực tài chính, phải đóng tiền ký quỹ, nếu kéo dài thời gian thực hiện sự án thì phải đóng thêm tiền sử dụng đất…).
Ông Thành cho biết: "Trong năm 2018, thực hiện Chỉ thị 01 của Chính phủ, 48 tỉnh, thành phố đã rà soát gần 1.500 dự án chậm triển khai; xử lý gần 23.000 ha đất, trong đó đã thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư gần 15.000 ha đất. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục cùng với các địa phương rà soát các dự án chậm triển khai; về mặt dài hơi, sẽ tiếp tục nghiên cứu về Luật Đất đai, về việc thu hồi đất bỏ hoang do dự án chậm triển khai".
Thời gian gần đây, báo chí liên tục thông tin về các trường hợp dự án chậm tiến độ và bỏ hoang đất trên địa bàn cả nước. Đáng chú ý, tình trạng dự án bỏ hoang không chỉ phổ biến ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM mà còn tồn tại ở nhiều tỉnh thành khác, trải dài từ Bắc đến Nam.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2015 - 2018, toàn ngành TN&MT đã tiến hành hơn 2.300 cuộc thanh kiểm tra trong lĩnh vực đất đai; kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362 ha đất.
Số liệu từ 48 địa phương cho thấy, có 3.088 dự án công trình chậm triển khai với tổng diện tích hơn 80.000 ha. Phần lớn trong số này là các trường hợp không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng.