|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

40 tỷ USD đầu tư hạ tầng điện giai đoạn 2016 - 2020

13:00 | 27/10/2016
Chia sẻ
Theo đó, vốn đầu tư trung bình 7,9 tỷ USD/năm cho hạ tầng điện, trong đó 75% đầu tư phát triển nguồn điện, 25% đầu tư cho phát triển lưới điện.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng điện giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 858.660 tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD/năm. Trong đó, 75% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 25% cho đầu tư phát triển lưới điện.

Cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn đầu tư nước ngoài khoảng 100.000 tỷ đồng; vốn vay ODA khoảng 200.000 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng (đầu tư cấp điện nông thôn); vốn chủ đầu tư và vốn vay thương mại khoảng 554.660 tỷ đồng.

Về định hướng phát triển với nguồn điện, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng công suất các nhà máy điện được đầu tư đưa vào vận hành khoảng 21.650 MW.

Các công trình nguồn điện quan trọng công suất từ 1.000 MW trở lên bao gồm Thủy điện Lai Châu, Nhiệt điện Duyên Hải III, Nhiệt điện Thái Bình II, Nhiệt điện Long Phú I , Nhiệt điện Sông Hậu I, Nhiệt điện Vĩnh Tân I, Nhiệt điện Vĩnh Tân IV. Các nhà máy này đều có công suất 1.200 MW.

Mục tiêu Chính phủ nâng tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020.

Đồng thời, đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà, đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, trong đó điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5%.

Ngoài ra, Chính phủ nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với phát triển của hệ thống điện quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống điện. Hiện nay, Dự án thủy điện tích năng Bác Ái công suất 1.200MW đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để đưa vào vận hành năm 2023 - 2025.

Về định hướng phát triển lưới điện, khối lượng lưới điện truyền tải đầu tư xây dựng đưa vào vận hành gồm Trạm 500 kV: 26.700 MVA; Trạm 220kV: 34.966 MVA; Đường dây 500kV: 2.746 km và Đường dây 220kV: 7.488 km.

Các công trình lưới điện quan trọng giai đoạn 2016 - 2020 cần đảm bảo tiến độ đáp ứng yêu cầu cung ứng điện cho các tỉnh phía Nam.

Đối với các công trình 500 kV, thực hiện nâng cấp các dàn tụ bù 500 kV trên toàn tuyến đường dây 500 kV Bắc - Trung - Nam; xây dựng các đường dây 500 kV: Vĩnh Tân - Rẽ Sông Mây - Tân Uyên, Duyên Hải - Mỹ Tho - Đức Hòa, Long Phú - Ô Môn, Sông Hậu - Đức Hòa; xây dựng trạm biến áp 500 kV Pleiku 2.

Các công trình đường dây 220 kV như Hà Tĩnh - Đà Nẵng; Bình Long - Tây Ninh; Vĩnh Tân - Tháp Chàm - Nha Trang và Vĩnh Tân - Phan Thiết - Hàm Tân - Tân Thành.

Khổng Chiêm

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.