|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 xu hướng kinh doanh cần chú ý trong năm 2023

22:31 | 04/01/2023
Chia sẻ
Trong năm 2023, xu hướng kinh doanh trong các lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI), vốn tư nhân và bất động sản thương mại cần được chú ý.

Theo Financial Times, bất động sản thương mại là một trong các lĩnh vực kinh doanh cần được chú ý trong năm 2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Financial Times, vào thời điểm này của năm ngoái, các công ty đang quan tâm đến việc liệu đại dịch COVID-19 có sớm kết thúc hay không. Xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã gây biến động lớn trên các thị trường từ dầu mỏ, khí đốt cho đến thực phẩm và khiến các nhà đầu tư trên khắp thế giới lo ngại.

Trong năm nay, các xu hướng kinh doanh trong bốn lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI), vốn tư nhân và bất động sản thương mại cần được chú ý. Năm 2023 có thể đánh dấu một kỷ nguyên mới về năng lượng, với khởi đầu của một thị trường dầu mỏ toàn cầu được phân chia lại.

Trong ba thập kỷ qua, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, được lưu thông tự do trên khắp thế giới và được bán cho người trả giá cao nhất.

Các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Mỹ đối với dầu mỏ của Nga đã làm đảo lộn thị trường này. Trên thực tế, thế giới một lần nữa bị phân chia thành Đông và Tây. Năng lượng của Nga từng chảy sang châu Âu giờ sẽ hướng tới Ấn Độ và Trung Quốc.

Xuất khẩu của Mỹ sẽ chảy sang châu Âu và dầu mỏ từ Trung Đông có thể thu hẹp khoảng cách ở cả hai hướng. Hệ thống mới này sẽ hoạt động như thế nào, liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả hay không và những khách hàng mua dầu mỏ của Nga sẽ thúc đẩy giá trong 12 tháng tới và có khả năng là trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, lĩnh vực AI đã có một bước nhảy vọt nhờ dòng vốn đang đổ vào lĩnh vực này nhằm phát triển một nền tảng điện toán thị trường đại chúng mới. Chat GPT, hệ thống hội thoại do OpenAl ra mắt vào cuối năm 2022, đã chứng minh cách thức AI có thể thay đổi cách mọi người làm việc với máy tính.

Năm 2023 có thể sẽ mang lại sự phát triển trên nhiều mặt, khi khả năng của các hệ thống thế hệ mới mở rộng sang các lĩnh vực như sản xuất video và âm thanh, đồng thời khi các công ty công nghệ cạnh tranh để áp dụng công nghệ này vào công việc, giao tiếp và giải trí hàng ngày.

Trong lĩnh vực vốn tư nhân, các quỹ tư nhân khổng lồ như Blackstone, CVC và KKR được coi là “vốn kiên nhẫn.” Các quỹ này có thể tồn tại hàng chục năm hoặc lâu hơn, chờ những thay đổi trên thị trường do các sự kiện bất ngờ như xung đột tại Ukraine.

Tuy nhiên, thời gian lại đang gây bất lợi cho các quỹ này, khi lãi suất tăng vọt đã làm tăng gần gấp đôi chi phí lãi vay đối với nhiều công ty có danh mục đầu tư sử dụng đòn bẩy.

Trong khi đó, thị trường vốn bị đóng băng đã khiến việc bán doanh nghiệp và thu hồi vốn trở nên khó khăn, gây ra tình trạng thiếu thanh khoản cho các nhà đầu tư và cắt giảm quy mô đối với các quỹ mới.

Thời điểm định giá cũng đang đến gần. Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán cuối năm có thể buộc các quỹ phải thừa nhận sự sụt giảm do giá trị thị trường đại chúng sụt giảm.

Trong năm tới, lĩnh vực bất động sản thương mại dự kiến sẽ có nhiều khó khăn. Một cuộc suy thoái đã bắt đầu và dự kiến sẽ tồi tệ hơn. Câu hỏi được các nhà phân tích và các nhà đầu tư đặt ra là thị trường sẽ giảm đến mức nào trước khi đạt đến trạng thái cân bằng mới?

Chủ sở hữu văn phòng, cửa hàng và nhà kho trên khắp thế giới vẫn đang tìm hiểu tác động của đại dịch đối với người thuê nhà khi họ bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao vào năm ngoái.

Chi phí đi vay cao hơn, lạm phát và nguy cơ suy thoái sẽ đẩy một số chủ nhà đến bờ vực vào năm 2023, buộc họ phải bán nhà trong nửa đầu năm để thanh toán các khoản vay với lãi suất cao hơn nhiều.

Kiều Trang