4 vấn đề về Trung Quốc doanh nghiệp Mỹ cần khẩn trương giải quyết
Do những đặc thù về lãnh thổ, nhiều công ty Mỹ buộc phải mở rộng quyền hạn quyết định cho chi nhánh tại Trung Quốc và bởi vậy, thường không kịp thời nắm bắt những rủi ro dễ gặp phải.
Dựa trên đánh giá kín của 75 hội đồng quản trị trong 15 năm qua, nhóm chuyên gia của Havard nhận thấy hầu như không có ban lãnh đạo nào có được bức tranh hoàn chỉnh về hoạt động của doanh nghiệp tại Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong. Họ có những báo cáo doanh số quốc tế tổng quan nhưng rất ít chi tiết về Trung Quốc ở cấp độ hội đồng quản trị.
Khi kinh doanh tại Trung Quốc phát triển thuận lợi, các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng nhắm mắt làm ngơ trước tiểu tiết nhưng đại dịch COVID-19 đã chứng minh đó là một sai lầm tai hại. Sự gián đoạn trong quá trình tiếp cận thị trường hoặc trong chuỗi cung ứng và kênh mua sắm của Trung Quốc gây ra thảm họa cho nhiều công ty, bao gồm cả những ông lớn như General Motors, Apple và Intel.
Để nắm rõ những rủi ro từ Trung Quốc, các giám đốc và ban điều hành của Mỹ cần bắt đầu một cuộc thảo luận. Như chúng ta thấy, chương trình nghị sự nên bao gồm 4 vấn đề sau:
Doanh nghiệp Mỹ đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc quá nhiều?
Rất nhiều cuộc thảo luận về việc giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đã diễn ra. Một số công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam hoặc Mexico nhưng những động thái này có quy mô tương đối nhỏ.
Hoạt động tương tự ở quy mô lớn hơn sẽ rất tốn kém và khó khăn, một phần do Mỹ thiếu công nhân lành nghề. Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc cũng có nguy cơ phản ứng dữ dội với các quyết định này.
Mặt khác, Trung Quốc đã trở thành thị trường quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Thống đốc New York Andrew Cuomo nhận thấy loại thuốc thử nghiệm thiết yếu cho các bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 chỉ đến từ một nơi: Trung Quốc. Một số loại mặt nạ và đồ bảo hộ cũng chỉ đến từ một nơi: Trung Quốc.
Gần như mọi máy tính và điện thoại thông minh đang sử dụng tại Mỹ đều đến từ Trung Quốc hoặc ít nhất có một số linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc.
Nghiêm trọng hơn nữa, Trung Quốc hiện đang độc quyền sản xuất nhiều nguyên liệu thô quan trọng cho các sản phẩm của nền kinh tế mới: từ điện thoại thông minh đến tua-bin gió.
2. Doanh nghiệp Mỹ đang tồn tại nhờ doanh số từ Trung Quốc?
Nếu một công ty có tỉ trọng doanh số bán hàng tại Trung Quốc khoảng 10-20%, rõ ràng là họ sẽ nỗ lực duy trì doanh số đó ở mọi cấp độ. Trong nhiều trường hợp, điều đó có nghĩa là công ty không thể tránh khỏi việc thỏa hiệp với chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự thỏa hiệp này có thể tạo ra vấn đề ở những nơi khác, bao gồm cả thị trường Mỹ nội địa. Các giám đốc điều hành có thực sự muốn ủng hộ chính quyền Bắc Kinh trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hay đăng tải bản đồ đường lưỡi bò?
Rủi ro này đặc biệt nghiêm trọng đối với các công ty sản xuất chất bán dẫn như Nvidia của Mỹ chuyên cung cấp sản phẩm phục vụ công nghệ nhận dạng khuôn mặt có ảnh hưởng đáng kể về an ninh và nhân quyền.
3. Doanh nghiệp Mỹ nên hợp tác với công ty Trung Quốc ở mức độ nào?
Trong môi trường nghiên cứu quốc tế mở hiện nay, các nhà nghiên cứu Mỹ thường hợp tác từ xa với các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, cách hợp tác này lại làm nảy sinh vấn đề về chính trị và quyền sở hữu trí tuệ, theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu người Mỹ có nên làm việc với các nhà nghiên cứu Trung Quốc về những công nghệ nhạy cảm như nhận dạng khuôn mặt trong môi trường ánh sáng yếu, máy bay tàng hình hay hóa chất bán dẫn?
Trung Quốc từng nhiều lần bị cáo buộc về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ hoặc ép buộc doanh nghiệp Mỹ tại đại lục chia sẻ bí mật kinh doanh. Luật pháp Mỹ rõ ràng ngăn chặn những động thái này nhưng không thể phủ nhận việc ngừng hợp tác giữa hai phía gây ra rất nhiều thiệt hại.
4. Giải pháp đảm bảo an toàn cho các công ty công nghệ là gì?
Vào năm 2018, Bloomberg Businessweek từng tiết lộ rằng Quân đội Trung Quốc đã cài đặt các vi mạch theo dõi trong một số linh kiện phục vụ sản xuất thiết bị điện tử cho tập đoàn Mỹ, bao gồm cả Apple.
Khả năng hack phần mềm của Trung Quốc cũng rất tinh vi. Vào tháng 12/2018, Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ bằng chứng hoạt động của nhóm APT10 (Advanced Persistent Threat 10) do chính quyền Bắc Kinh tài trợ ở Thiên Tân, có thể xâm nhập các hệ thống điện toán đám mây của Mỹ và tồn tại suốt 4 năm trước khi bị phát hiện.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia Havard cho biết một số giám đốc điều hành và lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp Mỹ đã chọn cách bỏ qua các lỗi hệ thống từ Trung Quốc hoặc sẵn sàng chấp nhận khả năng hệ thống bị xâm phạm.
Lí do là việc kiểm tra, truy tìm và chứng minh thủ phạm thực sự phía sau các vụ xâm phạm quyền bảo mật thông tin sẽ tiêu tốn hàng triệu USD và làm giảm thu nhập ngắn hạn. Ngoài ra, bất kì vi phạm nào được tiết lộ công khai cũng có thể khiến chính phủ Trung Quốc cảm thấy khó chịu và gây khó khăn cho những công ty khác đang tiếp cận thị trường này.