4 ‘ngòi nổ’ có thể khiến bong bóng tiền ảo vỡ tan
Hàn Quốc cấm giao dịch tiền ảo ẩn danh | |
Sàn tiền ảo Coinbase 'kiếm' hơn 1 tỷ USD năm 2017 |
Theo CoinMarketCap, tính đến ngày 22/1, toàn thị trường tiền ảo trị giá gần 563 tỷ USD, tăng hơn 3.400% so với đầu năm 2017.
Ảnh minh họa. Nguồn: Jaap Arriens/NurPhoto/Getty Images. |
Khi nhiều đồng tiền ảo tăng vọt hàng ngàn phần trăm, nhiều người nuôi mộng trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm trên thị trường mới nổi này. Xu hướng này đang đặt ra một dấu hỏi lớn: Đà tăng giá của tiền ảo sẽ duy trì được bao lâu và liệu chúng ta có đang rơi vào bong bóng tiền ảo?
Tôi sẽ không tranh luận liệu bong bóng này có đang bị thổi phồng quá mức hay không nhưng tôi sẽ cân nhắc những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Công ty của tôi, TenX, cung cấp thẻ ghi nợ mà khách hàng có thể dùng để chi tiêu tiền ảo của mình. Vì thế, tôi luôn muốn chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào trong tương lai. Và câu hỏi lớn mà tôi muốn đặt ra là, nếu tiền ảo là bong bóng, vậy khi nào nó sẽ nổ?
Để trả lời câu hỏi này, tôi đã dành nhiều tuần để phỏng vấn một số nhân vật giàu kinh nghiệm và kiến thức về tiền ảo về những điều có thể khiến bong bóng tiền ảo phát nổ.
Và dưới đây là 4 câu trả lời được nhiều người đưa ra nhất.
Chính sách quản lý
Nếu các nhà làm chính sách tại Mỹ và châu Âu và nhiều nơi khác “bắt tay” cấm các sàn giao dịch tiền ảo và các công ty cung cấp dịch vụ trong hệ sinh thái tiền ảo, các đồng tiền ảo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trung Quốc, quốc gia đã “cấm” tiền ảo từ giữa năm 2017, ghi nhận một kết quả rõ ràng: Người dân và các công ty chỉ cần chuyển đến nơi khác. Thay vì sụp đổ, thị trường tiền ảo lại bứt phá. Liệu Mỹ hoặc châu Âu có chứng kiến kết cục kịch tính hơn? Tôi khá chắc chắn về điều này nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một trong những nền kinh tế lớn của phương Tây cấm tiền ảo?
Các sàn giao dịch
Trước năm 2014, hệ sinh thái tiền ảo chỉ có một sàn giao dịch là Mt. Gox, chiếm hơn 70% khối lượng giao dịch lúc bấy giờ. Vào đầu năm 2014, sàn này ngưng hoạt động, khiến 80% thị trường tiền ảo sụp đổ.
Một số người lo ngại việc này có thể lặp lại nhưng hiện giao dịch tiền ảo đã phân tán nhiều hơn và hầu như không có sàn giao dịch nào chiếm hơn 10% tổng khối lượng giao dịch, theo CoinMarketCap. Tuy nhiên, một vài sàn giao dịch lớn vẫn giữ vai trò quan trọng. Theo Hackernoon, Coinbase và hệ thống giao dịch GDax của nó tạo nên một trong những sàn giao dịch lớn nhất đưa tiền ảo vào thị trường. Đây cũng là sàn giao dịch thu hút lượng người dùng lớn nhất toàn cầu.
Trong khi đó, chúng ta có một bức tranh đáng sợ hơn: Sàn Binance, một trong những sàn có khối lượng giao dịch lớn nhất, ra đời mới 6 tháng nhưng đã thu hút hơn 200 nghìn người dùng mỗi giờ.
Dù biết rằng các sàn giao dịch luôn nỗ lực để bảo vệ tiền đầu tư của khách hàng, nhưng nguy cơ một hoặc nhiều sàn tiền ảo sụp đổ luôn hiện diện.
Tín dụng
Một số sàn giao dịch cho phép người dùng mua tiền ảo bằng thẻ tín dụng. Và trên hết, nhà đầu tư thậm chí có thể dùng đòn bẩy tài chính để mua tiền ảo trong nhiều trường hợp. Theo một báo cáo, người mua không thể thanh toán khoảng 3 – 4% các khoản mua bằng thẻ tín dụng.
Các hình thức tín dụng này hứa hẹn sẽ khiến thị trường tiếp tục tăng nhiệt và bất kỳ chuyển động đi ngang nào cũng có thể là tin xấu cho những nhà đầu tư bắt đầu đóng vị thế. Chúng ta chưa từng chứng kiến thị trường tương tự kể từ giữa năm 2017, vì thế một số nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” có thể không kịp trở tay trước các tình huống bất ngờ.
Tiền ảo tether
Nếu một đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa thị trường chạm 1 tỷ USD, không có nghĩa là 1 tỷ USD đã đổ vào đồng tiền đó. Sự thật có thể ít hơn nhiều vì giá trị vốn hóa thị trường được tính bằng cách nhân số token với giá giao dịch cuối cùng của nó.
Chính vì thế, nếu một đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD, có thể chỉ có 50 triệu USD thật sự đổ vào đồng tiền này. Do đó, nếu đồng tiền này sụp đổ hoàn toàn , giá trị vốn hóa thị trường của nó có thể giảm từ 1 tỷ USD về 0, nhưng thật ra nhà đầu tư chỉ mất 50 triệu USD.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ: tiền ảo tether. Tether được tạo ra từ con số 0 qua một hệ thống vô cùng phức tạp, giả sử như khi 1 USD được gửi vào để trao đổi. Hiện tại, tether có giá trị vốn hóa khoảng 1,6 tỷ USD, đồng nghĩa với 1,6 tỷ USD đã đổ vào đồng tiền này.
Theo một số báo cáo, thật ra không có 1,6 tỷ USD đầu tư vào đồng tiền này. Vì nhiều sàn giao dịch và các đồng tiền ảo khác kết nối tether nên bất kỳ phát hiện nào cho thấy giá trị được công bố của tether là không đúng sự thật cũng sẽ khiến thị trường lao dốc.