3 vấn đề nóng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Liên quan đến công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo, Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian qua, những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được Bộ TT&TT xử lý quyết liệt, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm để các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật về báo chí.
Bộ TT&TT thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, chấn chỉnh trong giao ban hàng tuần với lãnh đạo các cơ quan báo chí; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm về nội dung thông tin trên báo chí; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với hành vi thông tin sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia cũng như đến tổ chức, cá nhân, cộng đồng; xử lý các trường hợp nhà báo, phóng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo để sách nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Được biết, năm 2018, Bộ TT&TT đã xử lý vi phạm hành chính 35 trường hợp, với tổng mức phạt bằng tiền là 1,1 tỷ đồng; đến hết tháng 10/2019, Bộ đã xử lý 24 trường hợp, với số tiền phạt là 580 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép 3 trường hợp. Từ năm 2018 đến nay, Bộ TT&TT đã xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ TT&TT đã yêu cầu lãnh đạo một số tạp chí điện tử có nhiều sai phạm hoặc có nhiều phản ánh về biểu hiện sai phạm tham gia giao ban báo chí hàng tuần để Ban và Bộ nhắc nhở, chấn chỉnh.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ TT&TT đã nhận và xử lý 450 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động báo chí. Đến ngày 30/10/2019, chỉ riêng đường dây nóng của Cục Báo chí đã tiếp nhận gần 1.834 cuộc điện thoại và 300 thư điện tử; khoảng 20 trường hợp phản ánh phóng viên sách nhiễu (chiếm khoảng 1%).
Cục Báo chí đã kịp thời thông báo để các cơ quan báo chí kiểm tra, quản lý phóng viên tác nghiệp tại địa phương. Bộ TT&TT thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên; cung cấp thông tin cho Hội Nhà báo Việt Nam để xem xét, xử lý về đạo đức nghề nghiệp.
Liên quan đến công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, Bộ TT&TT nhận định, còn một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động nhưng không có giấy phép; một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tập trung trích dẫn những thông tin về những tiêu cực, mặt trái xã hội, tạo cảm giác u ám, bất an, không phản ánh đúng hiện thực xã hội.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp có dấu hiệu thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp lách luật, liên kết với cơ quan báo chí để hoạt động giống như báo chí, dẫn đến tình trạng “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp.
“Chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng các tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tung thông tin giả mạo, thông tin vi phạm pháp luật lên MXH nước ngoài. Công tác đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài để buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam đã có những kết quả bước đầu, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, do các Công ty nước ngoài như Facebook, Google chưa tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam”, Bộ TT&TT cho biết.
Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT cho biết, phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, có nơi còn hình thức, chưa phát triển theo chiều sâu. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các CSDL quốc gia tạo nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm (đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đất đai), chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CPĐT; hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT tại một số địa phương, nhất là tuyến huyện, xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp kịp thời; năng lực hệ thống, trang thiết bị nhiều nơi hạn chế.
Một trong những nguyên nhân của yếu kém nói trên là các bộ, ngành, địa phương còn dùng nhiều phần mềm, nền tảng khác nhau khó khăn trong chia sẻ, tích hợp dữ liệu dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư cho an toàn, an ninh mạng còn hạn chế.