|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba nhóm ngành dịch vụ ngược dòng tăng trưởng 9 tháng đầu năm

10:58 | 29/09/2021
Chia sẻ
Khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP đang chịu tổn thương nặng nề bởi COVID-19, riêng ba nhóm ngành dịch vụ gồm y tế, tài chính - ngân hàng, thông tin và truyền thông vẫn ghi nhận tăng trưởng trong 9 tháng 2021.

Theo Tổng cục Thống kê (GSO), đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế khi nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, kéo theo sự suy giảm của các hoạt động kinh tế.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, kéo theo tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ còn tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nền kinh tế, 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%.

3 nhóm ngành dịch vụ ngược dòng tăng trưởng 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Nguồn: GSO

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế 9 tháng đầu năm. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm...

Lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP là thương mại và dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 và các biện pháp giản cách xã hội. Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn như bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngoài ra, ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.

Riêng ba nhóm ngành dịch vụ gồm y tế, tài chính - ngân hàng, thông tin và truyền thông vẫn tăng trưởng và trở thành trụ cột giúp lĩnh vực dịch vụ không bị giảm sâu hơn trong 9 tháng 2021.

Trong đó, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào tăng trưởng.

Doanh thu hoạt động viễn thông quý III/2021 ước tính đạt 76 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, doanh thu đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Với hoạt động tài chính - ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2021 đạt 7,17%; kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá với doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.

Dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp. Theo GSO, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 của GSO cho biết: Có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. 

Dự kiến quý IV/2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. 

Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.

Hoàng Trung

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.