|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

3 nguyên nhân khối ngoại bán ròng hơn 4.600 tỷ đồng chỉ trong 2 tháng

15:58 | 05/10/2016
Chia sẻ
Các công ty chứng khoán cho rằng, một số quỹ ngoại đóng quỹ, ETF đảo danh mục và các quỹ lâu đời bán bớt cổ phiếu để thu xếp tài chính mua cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước là những nguyên nhân chính khiến giá trị bán ròng tăng cao thời gian gần đây.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua 9 tháng với nhiều kết quả tích cực, VN-Index từ mức đáy 525 điểm nay đã lên trên 680 điểm, cao nhất 8 năm và được nhận định vẫn còn nhiều triển vọng tăng tiếp.

Tuy nhiên, khác với các năm trước, khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng, VN-Index năm 2016 chứng kiến áp lực bán ròng lớn từ khối ngoại, đặc biệt là trong tháng 8 và tháng 9, khi VN-Index lập đỉnh.

3 nguyen nhan khien khoi ngoai ban rong hon 4600 ty dong chi trong 2 thang qua
Diễn biến chỉ số VN-Index 9 tháng đầu năm

Theo số liệu thống kê, riêng trong tháng 8 khối ngoại bán ròng gần 1.900 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm và sang tháng 9 tiếp tục bán ròng 2.763 tỷ đồng, vượt xa so với tháng 8.

Tổng cộng, chỉ trong 2 tháng này, khối ngoại đã bán ròng 4.652 tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị bán ròng tính từ đầu năm (5.375 tỷ đồng).

Xét về khối lượng bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 178 triệu cổ phiếu chỉ trong tháng 8 và tháng 9.

3 nguyen nhan khien khoi ngoai ban rong hon 4600 ty dong chi trong 2 thang qua
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng vào 2 tháng VN-Index lập đỉnh

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, diễn biến bán ròng của khối ngoại xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà một trong số đó là do các quỹ chốt lãi khi VN-Index lên cao. Trong đó, có thể nhắc tới các quỹ đang sắp tới thời hạn đóng quỹ, như Red River Holding hay Mekong Capital.

Với Red River Holding, năm 2017 sẽ tiến hành đóng quỹ. Mới đây, Red River Holding hạ tỷ trọng sở hữu tại FPT xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn, không phải công bố thông tin. Ngay sau khi hạ tỷ lệ xuống dưới 5%, FPT ngày 23/9 có lệnh giao dịch thoả thuận đột biến 22,5 triệu cổ phiếu và nhiều ý kiến cho rằng, lượng cổ phiếu này có thể do Red River Holding bán ra.

Ngoài FPT, Red River Holding cũng đã bán 2 triệu cổ phiếu tại thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHC) và tiếp tục đăng ký bán nốt 7,8 triệu cổ phiếu còn lại. Trước đó, Red River Holding đã thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp như Nhựa Tiền Phong (NTP), Everpia (EVE), Vinasun (VNS), Vicostone (VCS), Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG)...

Bên cạnh Red River Holding, quỹ Mekong Capital cũng đang liên tục bán ra cổ phiếu của Thế giới Di động (MWG), hay quỹ con của Mekong Capital là Vietnam Azalea thoái vốn tại PNJ do sắp đóng quỹ.

Ngoài các quỹ thoái vốn, thị trường tháng 9 còn ảnh hưởng bởi các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục. Do chính sách nới room ngoại của Nhà nước, nên Vinamilk đã được nâng room lên 100% và được đưa vào danh mục các quỹ ETF. Điều này tưởng chừng mang đến sự tích cực nhưng thực tế lại khiến ETF phái bán bớt các cổ phiếu còn lại trong danh mục để đảm bảo sự cân đối. Điều này khiến giá trị bán ròng riêng trong phiên ETF điều chỉnh lên tới 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cho rằng, việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước cũng ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Các tập đoàn lớn, với tình hình tài chính tốt như VEAM, Viglacera IPO sẽ thu hút sự quan tâm của các quỹ lớn như Dragon Capital, VinaCapital, khiến các quỹ này phải bán bớt cổ phiếu trên sàn chứng khoán để thu xếp nguồn tài chính.

Xu hướng bán ròng được cho là sẽ chưa dừng lại, bởi quá trình IPO sẽ còn kéo dài. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới chỉ bán vốn tại các doanh nghiệp trung bình nhỏ, trong khi vẫn giữ lại những doanh nghiệp làm ăn tốt, những "con bò sữa" trả cổ tức đều đặn. Có thể kể đến trong số này như Vinamilk, FPT Telecom, Bảo Minh, FPT, Dược Hậu Giang, Nhựa Tiền Phong, Bảo Việt. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp Nhà nước như Sabeco, Habeco đang rất được quan tâm.

Chính vì thế, sự hấp dẫn từ các doanh nghiệp này khi SCIC thoái vốn, hay IPO cũng sẽ hút một lượng tiền không nhỏ từ thị trường chứng khoán, có tác động nhất định đến thị trường.

Gia Linh