3 bước xác định liệu bạn có ghét công việc này đến thế!
Bắt đầu một công việc mới thường là một trải nghiệm đầy hi vọng. Trong những tuần hoặc ngày trước khi bắt đầu công việc, bạn thường nghĩ về những thành quả có thể đạt được, các mối quan hệ mà bạn sẽ có hay vị trí mà bạn mơ ước. Tuy nhiên, vài tuần đầu tiên có thể gây thất vọng và nhiều người tự hỏi liệu quyết định chọn công việc này có đúng đắn.
Sự khác biệt giữa hi vọng, giấc mơ và thực tế bắt nguồn từ góc độ tâm lí học. Nghiên cứu về lí thuyết cho thấy chúng ta đối xử với những thứ ở xa (theo cả thời gian hay khoảng cách vật lí) mơ hồ hơn những thứ ở gần.
Trước khi bạn bắt đầu một công việc mới, bạn có thể chỉ tập trung vào tiềm năng hơn là các nhiệm vụ thực tế. Khi đã nhận việc, bạn lại có xu hướng bị sa lầy vào các chi tiết cụ thể hàng ngày, khiến bạn thấy khó khăn hơn khi thấy sự đóng góp mà bạn hi vọng sẽ thực hiện.
Bạn cũng thường tập trung vào các đặc điểm đáng mong đợi của một công việc mới trước khi bắt đầu. Điều này tạo ra một trạng thái động lực được gọi là trọng tâm xúc tiến, khiến bạn nhạy cảm hơn với những điều tích cực trong môi trường mới.
Nhưng một khi bạn bắt đầu công việc và có những trách nhiệm phải giải quyết, bạn sẽ có xu hướng chuyển sang trọng tâm đề phòng, khiến bạn vô thức chỉ tập trung vào những điều tiêu cực. Công việc hoàn hảo không còn là hoàn hảo nữa.
Sự thất vọng này có thể khiến bạn cảm thấy công việc mới là sai lầm. Tuy nhiên, điều đó đôi khi cũng chính xác. Vậy làm thế nào để nhận biết giữa sự thất vọng thông thường và các dấu hiệu cho thấy công việc đó thực sự không phù hợp với bạn? Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đây là ba điều cần xem xét, theo nhận định của các chuyên gia Harvard Business Revews (HBR).
Hội chứng kẻ mạo danh và đường cong nhận thức
Một lí do tại sao công việc mới có thể gây chán nản là những yếu tố bạn chưa chuẩn bị. Tất nhiên, bạn không biết các chính sách và qui trình của nơi làm việc mới và sẽ mất thời gian để làm quen nhưng cũng sẽ có những nhiệm vụ mà bạn không biết cách làm.
Nhiều người trong vai trò mới rơi vào hội chứng kẻ mạo danh, khiến họ cảm thấy bản thân đang đảm nhận một vị trí mà họ không có đủ năng lực. Điều này khiến họ cảm thấy những nhiệm vụ mới lạ là dấu hiệu cho thấy họ vô dụng.
Vì vậy, hãy sớm yêu cầu được hỗ trợ trong nhiệm vụ mới và tin tưởng rằng mọi người đều hiểu học tập là một phần cơ bản của thành công với mỗi nhân viên. Khi bạn cảm thấy tồi tệ vì không thể làm tốt, hãy coi đó là cơ hội phát triển thay vì dấu hiệu thất bại.
Đánh giá giá trị của doanh nghiệp
Ngay cả khi bạn cảm thấy đang thành công trong mọi nhiệm vụ mới, cảm giác không thỏa mãn vẫn có thể xuất hiện. Một trong những điều khó nhất để tìm hiểu về một công ty trong quá trình nộp đơn và phỏng vấn là tập hợp các giá trị cơ bản mà công ty đại diện.
Nghiên cứu của Shalom Schwartz và các cộng sự đã chỉ ra rằng có những giá trị phổ quát ở mọi nền văn hóa, trong đó, mỗi người và tổ chức đều nhấn mạnh những đặc điểm khác nhau. Các nền văn hóa thúc đẩy các giá trị cụ thể nhưng các cá nhân chấp nhận các giá trị dựa trên đặc điểm tính cách cơ bản và kinh nghiệm của họ.
Chống lại cám dỗ thay đổi
Bạn chắc chắn không muốn đưa ra quyết định vội vàng về công việc mới. Có thể mất vài tháng để xác định điều này và cũng cần có thời gian để bạn thực sự hiểu các giá trị của công ty.
Nhưng nếu bạn đã làm việc từ 6 tháng đến một năm và vẫn cảm thấy công việc đó không phù hợp với bạn, thì hãy sẵn sàng hành động. Do xu hướng e ngại thay đổi, chúng ta có xu hướng gắn bó với các quyết định tồi tệ quá lâu, dù đó là những khoản đầu tư kém, các mối quan hệ xấu hay một công việc không phù hợp. Chúng ta không thích thay đổi vì điều đó đồng nghĩa với thừa nhận sai lầm và đối mặt với sự mơ hồ.
Ngay cả những cơ hội việc làm tràn đầy hi vọng vẫn có thể gây ra thất vọng vào giai đoạn đầu. Vì vậy, hãy suy nghĩ cẩn thận về những gì bạn đã trải qua để phân biệt được dấu hiệu đang dần thích nghi và đâu là dấu hiệu cho thấy bạn nên tìm kiếm một môi trường mới.