|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

20 năm sau khủng hoảng tài chính, châu Á đã thay đổi như thế nào?

07:42 | 27/06/2017
Chia sẻ
Sau khủng hoảng tài chính châu Á, thay đổi rõ nét nhất có thể thấy chính ở hoạt động quản trị doanh nghiệp.
20 nam sau khung hoang tai chinh chau a da thay doi nhu the nao
Từ một nhà đầu tư bất động sản giàu có, nổi tiếng. Khủng hoảng tài chính châu Á đã đẩy ông Sirivat Voravetvuthikun ra lề đường bán bánh - Ảnh: Nikkei

Từng là một nhà đầu tư thành công trên thị trường chứng khoán, tài khoản tại ngân hàng luôn có nhiều tiền, mua được căn hộ tầng áp mái sang trọng, nhà tài phiệt địa ốc Sirivat Voravetvuthikun không thể tin rằng sẽ có ngày mình đứng bán bánh sandwich bền lề đường ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Khi giá chứng khoán và giá bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, vợ ông đã gợi ý ông đi bán bánh sandwich. Cuộc sống của ông đã đảo lộn hoàn toàn nhưng cuối cùng nhờ sự kiên trì của mình, ông cũng vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. 20 năm sau, giờ ông đang giữ chức chủ tịch tập đoàn TGIF chuyên sản xuất đồ uống và bánh sandwich tại Thái Lan.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây 20 năm đã mang đến bước ngoặt trong cuộc sống của rất nhiều người châu Á. Cuộc khủng hoảng đã để lại nhiều vết sẹo, doanh nghiệp đã học hỏi được nhiều từ đó, hệ thống kinh tế và xã hội của nhiều nước đã được điều chỉnh lại.

20 năm sau, châu Á đã học được gì và cần phải tiếp tục làm gì nữa? Báo Nikkei đã có bài phân tích về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và những ảnh hưởng đến khu vực sau 2 thập niên qua.

Sau khủng hoảng tài chính châu Á, thay đổi rõ nét nhất có thể thấy chính ở hoạt động quản trị doanh nghiệp. Tại khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn gia đình vẫn nắm nhiều ngành chủ đạo của nền kinh tế. Thế nhưng hoạt động quản trị của họ đã trở nên minh bạch hơn trước rất nhiều.

Đầu năm nay, tập đoàn Salim của Indonesia mua lại ngân hàng Ina Perdana. Thương vụ khiến những người đã từng sống qua thời khủng hoảng tài chính châu Á không khỏi “cau mày”.

Trước đây trong thời khủng hoảng, tập đoàn Salim từng phải bán đi ngân hàng Bank Central Asia, ngân hàng tư nhân lớn nhất Indonesia thời điểm đó, để trả bớt khối nợ khổng lồ đã “phình to” trong khủng hoảng tài chính.

Và trong động thái đầu tiên để trở lại hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, CEO của tập đoàn Salim, ông Anthoni Salim, khẳng định rõ tham vọng ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát triển mạnh hơn nữa mảng này, đặc biệt cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến tốt hơn nữa.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô của tổ chức ASEAN+3 (AMRO), ông Khor Hoe Ee, chỉ ra khủng hoảng tài chính châu Á có nguyên nhân bởi hành vi thao túng tiền tệ và hoạt động cho vay tràn lan.

Tại châu Á, không hề thiếu những doanh nghiệp tự thành lập ra các ngân hàng để cho chính các công ty con của họ vay tiền. Tình trạng này dẫn đến việc cấp tín dụng tràn lan, nhiều khi không đạt chuẩn.

Sau khủng hoảng, hoạt động quản trị doanh nghiệp đã tốt hơn trước rất nhiều, theo khẳng định của ông Khor Hoe Ee: “Chính phủ nhiều nước đã rất nghiêm túc xem xét lại hoạt động quản trị doanh nghiệp. Lĩnh vực ngân hàng đã buộc phải thực hiện nhiều cải tổ quan trọng.”

Chính phủ các nước đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường sự minh bạch. Ví như chính phủ Indonesia áp quy định các ngân hàng chỉ được cho công ty thành viên vay tối đa 10% trong tổng dư nợ tín dụng. Quy định phá sản ngân hàng cũng được điều chỉnh.

Ngoài ra, việc tách bạch quyền sở hữu và quyền quản trị cũng được làm chặt chẽ hơn. Tại tập đoàn SM Investments của Philippines, gia đình sáng lập Sy đã không còn liên quan nhiều đến hoạt động kinh doanh hàng ngày, thay vào đó ông Frederic DyBuncio – một kẻ ngoại đạo hoàn toàn lên giữ chức chủ tịch quản lý hoạt động kinh doanh tập doàn.

Ông DyBuncio gia nhập tập đoàn SM vào năm 2011 sau khi có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông đặt mục tiêu phát triển SM thành tập đoàn hoạt động chuyên nghiệp, vươn ra nhiều thị trường quốc tế hơn. Cùng lúc đó, gia đình sáng lập vẫn có sự liên quan ở mức độ nhất định đến công việc kinh doanh của tập đoàn trên phương diện lên kế hoạch cho sự phát triển trong dài hạn.

Theo nhận xét của ông Khor thuộc AMRO, sau khủng hoảng tài chính châu Á, nhiều doanh nghiệp trở nên vô cùng thận trọng, họ hạn chế tối đa việc vay nợ bằng ngoại tệ. Điển hình như doanh nghiệp Thái Lan, giờ đây đa phần họ chỉ vay nợ bằng ngoại tệ khi họ cần tiền cho các dự án ở nước ngoài.

Tập đoàn xi măng Siam của Thái Lan, hơn ai hết, đã nếm trải sự cay đắng của các khoản vay ngoại tệ. Khi khủng hoảng tài chính châu Á bùng phát, Siam khi đó đang là nhà sản xuát lớn nhất tại Thái Lan với sản phẩm đa chủng loại từ xi măng cho đến hóa dầu, bao bì hàng hóa, linh kiện ô tô. Siam đã vay nợ nước ngoài ngập đầu để có tiền phát triển nhiều mảng sản xuất như trên.

Tháng Bẩy năm 1997, khi chính phủ Thái Lan hạ giá đồng bath, nợ của Siam tăng gấp đôi chỉ sau một đêm. Siam lâm vào cảnh khốn cùng bởi nợ được định giá bằng ngoại tệ chiếm đến hơn 90% nợ của tập đoàn.

Khủng hoảng qua đi, Siam đã học được bài học cay đắng. Siam huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu định giá bằng đồng nội tệ Thái Lan – đồng bath. Siam không vay vốn ngoại tệ cho các dự án nội địa. Và đặc biệt Siam cũng từ chối làm việc với những ngân hàng ngoại từng từ chối hỗ trợ ngân hàng trực thuộc Siam khi khủng hoảng đang diễn ra.

Ngoài ra, Siam cũng điều chỉnh lại công việc kinh doanh, ngừng hoạt động trong nhiều lĩnh vực mà chỉ chuyên tâm vào sản xuất xi măng, bao bì đóng gói và hóa chất.

Xét trên bình diện chung của khu vực, các doanh nghiệp đang giảm bớt vay nợ và tăng cường tiềm lực tài chính riêng. Ví như ở Thái Lan, tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm chóng mặt so với trước khủng hoảng tài chính.

Thế nhưng không phải tất cả mọi vấn đề đã được giải quyết. Tại châu Á, nơi tập trung đông đảo các tập đoàn gia đình, gia đình sáng lập vẫn có quá nhiều ảnh hưởng lên việc điều hành tập đoàn. Tính toán của công ty kiểm toán quốc tế E&Y cho thấy đến 85% doanh nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là doanh nghiệp gia đình.

Trung Mến

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm còn hơn 257.000 tỷ đồng, bất động sản chiếm 39%
Fiin Ratings nhận định thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ.