|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

20 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao?

21:10 | 05/07/2018
Chia sẻ
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, Việt Nam sẽ tăng tốc và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập niên tới.

Với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018 đã khai mạc hôm nay (5/7).

20 nam nua viet nam se tro thanh nuoc co thu nhap trung binh cao
Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018.

Khai thác các hình thái thương mại mới để tạo lợi thế

Tại Hội nghị, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định về những xu hướng lớn có thể tái định hình nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm, việc chuyển đổi các mô hình thương mại, sự gia tăng của nền kinh tế tri thức, biến đổi khí hậu và sự già hóa dân số.

Ông Ousmane Dione cho rằng, hình thái thương mại đang thay đổi với xu thế thương mại đang chậm lại, tạo ra cạnh tranh lớn hơn cho các nước như Việt Nam. Việt Nam được hưởng lợi từ một khu vực FDI mạnh đã là một động lực mạnh mẽ cho dòng chảy thương mại, đồng thời trực tiếp sử dụng 2,4 triệu lao động. Tuy nhiên, các nước láng giềng, như Campuchia và Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút việc làm sản xuất tay nghề thấp.

Theo Giám đốc WB gợi ý Việt Nam có thể khai thác các hình thái thương mại mới để tạo lợi thế. Đồng thời, nên tận dụng các thỏa thuận thương mại mới như CPTPP, đồng thời tận dụng lợi thế của nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa gia công của một lớp người tiêu dùng đang lớn mạnh ở châu Á.

Ông Ousmane Dione chỉ ra rằng, sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức và tự động hóa là xu hướng đòi hỏi người lao động thế kỷ 21 phải có nhóm kỹ năng phức tạp hơn trước đây. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ có 8% lực lượng lao động có trình độ đại học, chưa đủ để tạo bước nhảy vọt vào nền kinh tế tri thức. Người lao động cần được trang bị bộ kỹ năng hợp lý để vượt qua rào cản này.

Bên cạnh đó, một xu hướng có thể sẽ tạo ra một rủi ro lớn cho Việt Nam, đó là biến đổi khí hậu đang phức tạp, cuộc sống của 13,6 triệu nông dân trồng lúa đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy cần phải có sự chuyển dịch, chuyển đổi ngay trong sản xuất và kinh doanh hướng tới đa dạng hóa sản phẩm tối đa hóa giá trị từ mỗi tài nguyên trong chu kỳ sản xuất.

Một điều quan trọng nữa mà đại diện Ngân hàng thế giới chỉ ra đó là, Việt Nam sắp trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử loài người. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050.Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn và đến lao động nữ do họ có thể chịu nhiều gánh nặng nhất trong việc phải chăm sóc người cao tuổi.

Ông Ousmane Dione cho rằng, để thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần vận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực vốn có như, thể chế, con người, nguồn lực tự nhiên, song song với việc nắm bắt các xu hướng lớn và đảm bảo cỗ máy tạo việc làm hoạt động trơn tru. Cụ thể, thông qua những giải pháp kinh doanh sáng tạo có tác động mạnh mẽ, mang tính quy mô, có thể đo lường hiệu quả, có thể nhân rộng và vượt qua khỏi hình thức kinh doanh thông thường.

Phát triển bền vững trở thành kim chỉ nam

Còn theo quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát triển bền vững không còn là câu chuyện của những nước phát triển mà đã trở thành kim chỉ nam và là con đường duy nhất cho sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

"Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang trở thành một xu thế bắt buộc", ông Lộc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nỗ lực của một mình Chính phủ là không đủ để thực hiện các mục tiêu tham vọng này. Nỗ lực cần đến từ tất cả các bên trong xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững thông qua hoạt động kinh doanh của mình, ông Lộc chia sẻ.

Chủ tịch VCCI khẳng định, Việt Nam sẽ tăng tốc và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập niên tới với những kết quả ấn tượng và bình đẳng, công bằng xã hội và quản lý Nhà nước hiệu quả.

Xem thêm

Chung Thủy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.