|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bẫy giá trị thấp: Muốn thoát không dễ…

16:38 | 25/07/2017
Chia sẻ
Chúng ta không thể cất lời trước bẫy giá trị thấp khi miếng bánh lao động lương cao, nhiều ưu đãi không dành phần nhiều cho người Việt.
bay gia tri thap muon thoat khong de
Nguồn ảnh: Flickr

Bẫy thu nhập trung bình là hệ quả trực tiếp của bẫy giá trị thấp. Nói nôm na, Việt Nam chỉ mãi nhận phần lợi nhỏ nhoi trong chuỗi giá trị. Đáng tiếc, chúng ta không dễ thoát khỏi tình trạng này.

Nhận diện bẫy giá trị thấp

Phận gia công là điều mà chúng ta đang nhẫn nại gánh gồng. Chúng ta lại một lần nữa phải nhắc lại trường hợp đôi giày Nike có giá bán 100USD thì phần Việt Nam nhận được chỉ là 22USD. Trăn trở của những nhà quản lý về việc tại sao Việt Nam hưởng phần ít đến vậy sẽ rõ ràng hơn nếu có thể phân tách: trong 22USD đó, nghĩa vụ thuế, đặc biệt là thuế đất đai và thuế gián thu, vốn là phần doanh nghiệp đóng thay người tiêu dùng chiếm bao nhiêu phần trăm. Nhiều người e ngại, con số thực nhận còn thấp hơn nhiều.

Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày có thể đạt 17,8 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2016. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách. Trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp FDI chiếm đến 81% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới đây của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, tình hình còn bi quan hơn rất nhiều. Cụ thể, nhìn vào số liệu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp cho thấy tỉ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất giảm từ 34,7% năm 2007 xuống chỉ còn 21,7% vào năm 2015. Vị chuyên gia này nhận định, phần giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo nền kinh tế nhận được ít đi khá nhiều so với giai đoạn trước và tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện.

Tính toán cũng cho thấy, riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp FDI giữ thành tích vượt trội, dù tỉ trọng xuất khẩu của FDI tăng lên nhanh chóng từ 57% năm 2005 lên gần 70% trong năm 2015, nhưng tỉ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại tăng không đáng kể (từ 15,2% năm 2005 lên khoảng 20% năm 2016). Cần lưu ý thêm, trong giai đoạn này, tỉ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP chỉ tăng khoảng 5%. Như vậy, khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế lại không tương xứng.

bay gia tri thap muon thoat khong de

Nhìn từ góc độ khác, tính toán mô hình cân bằng tổng thể trong các giai đoạn cho thấy xuất khẩu tuy làm tăng giá trị sản xuất so với giai đoạn trước khoảng 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (-13,3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Bên cạnh đó, tỉ lệ giá trị gia tăng của xuất khẩu trong tổng cầu cuối cùng trong nước giảm mạnh, từ 0,45 năm 2000 xuống còn 0,27 năm 2012. Điều này phần nào cho thấy, hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua không những không được cải thiện mà còn giảm sút trầm trọng. Tương tự như bẫy thu nhập trung bình, bẫy giá trị thấp xuất hiện khi chúng ta không có cách nào để cải thiện tình trạng lóp ngóp ở đáy của chuỗi giá trị. Với những phân tích nêu trên, có thể thấy, Việt Nam đã lún khá sâu vào chiếc bẫy này.

Làm gì để thoát bẫy?

Không nền kinh tế nào có thể tự mọc cánh, bay vượt khỏi những khó khăn và lực cản đang níu chân nó. Chỉ có thể tiến lên từng bước một, nhanh hay chậm dựa trên nội lực của chính bản thân nền kinh tế đó. Việt Nam cũng không ngoại lệ, dù hoàn cảnh hiện tại vô cùng khó khăn.

Trước hết là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Theo đánh giá của World Bank, chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng. Đầu năm 2015, Tổng Giám đốc Công ty Intel Products Vietnam nói thẳng tại một hội thảo rằng, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là khó khăn đối với Intel. Chính vì thế, chúng ta không thể cất lời khi miếng bánh lao động lương cao, nhiều ưu đãi không dành phần nhiều cho người Việt. Cứ mãi lẹt đẹt ở khâu gia công đơn giản, lao động Việt không có cơ hội tiếp cận với những khâu mang lại nhiều giá trị hơn trong chuỗi sản xuất, đồng nghĩa, không thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để mong đạt được bước tiến cao hơn.

bay gia tri thap muon thoat khong de

Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lưu ý thêm về nguy cơ Việt Nam bước vào quá trình phi công nghiệp hóa sớm khi chưa phát triển được một nền công nghiệp thực sự. Điều này sẽ đồng nghĩa nền kinh tế không có lực đẩy để tiến bộ trong công nghệ sản xuất, phương thức quản lý, phương thức bán hàng..., những quy trình tạo ra giá trị gia tăng cao. Như vậy, trong tương lai, Việt Nam vẫn chỉ có thể tham gia những khâu đơn giản, nói cách khác là không thể thoát bẫy giá trị thấp.

Viễn cảnh xấu hơn nhưng lại không thể không tính đến là doanh nghiệp FDI chạy khỏi Việt Nam khi những lợi thế về chính sách và nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn nữa. Những xáo trộn sẽ vô cùng ghê gớm trong khi giải pháp đột phá không từ trên trời rơi xuống và cũng không dành cho những người chỉ biết hô khẩu hiệu. Khi đó, Việt Nam sẽ còn tụt hậu sâu hơn.

Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh lý giải phần còn lại của vấn đề, nội lực của các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của ông, cấu trúc sở hữu trong GDP cho thấy tỉ trọng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP rất thấp (dưới 8%) và không hề thay đổi trong suốt 19 năm (2005-2015). Điều này lý giải khi số lượng doanh nghiệp trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là về số lượng còn giá trị dường như không thay đổi gì. Tại sao lại xảy ra tình trạng này?

Theo vị chuyên gia kinh tế nói trên, ngoài việc bị khu vực kinh tế nhà nước và FDI chèn lấn, quan trọng hơn là các doanh nghiệp tư nhân chèn lấn lẫn nhau và không muốn lớn lên. ‘’Nền kinh tế dựa vào doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát triển không bằng năng lực thì làm sao nền kinh tế có thể bền vững? Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều dính dáng tới vấn đề lợi ích thân hữu khiến sân chơi chung bị làm méo mó không chỉ bằng những quyền lực không tên, mà cả bằng những ưu đãi chính sách giấy trắng mực đen. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt lại luôn lăm le cạnh tranh nhau không lành mạnh, tiêu diệt lẫn nhau. Với thực trạng như vậy, làm sao chúng ta tránh được cảnh gia công suốt đời?”, chuyên gia Bùi Trinh nhận xét.

Theo ông Bùi Trinh, để có được nội lực, nền kinh tế phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, ngay ngắn, minh bạch, không phát triển bằng “quan hệ”, lợi ích nhóm. Nếu nền kinh tế cứ mãi không lớn được, chúng ta đã trao thêm quyền cho doanh nghiệp nước ngoài để đòi thêm yêu sách, lợi ích, bẫy giá trị thấp sẽ càng ngày càng thấp hơn.

Hoàng Hải