|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

150 trường tư kiến nghị được hoạt động trở lại

22:45 | 05/03/2020
Chia sẻ
Trong thư kiến nghị ký ngày 3/3, lãnh đạo 150 trường tư thục từ mầm non tới THPT "đã kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí". Học sinh phải nghỉ học liên tiếp nhằm tránh Covid-19, nhà trường không có doanh thu và đang mất dần tính thanh khoản. Có người phải "đem tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê địa điểm, lương giáo viên, điện nước, thuế, phí, tiền vay ngân hàng...".

"Chúng tôi đang đứng trước tương lai bất định, khó khăn chưa từng có", bản kiến nghị có đoạn.

150 trường ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành thông qua gói phương án hỗ trợ gồm năm nội dung. Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, các trường đề nghị Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập hoạt động trở lại để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, trường có doanh thu, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên. Các trường cam kết thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh phòng chống dịch.

Thứ hai, các trường đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.

Kiến nghị thứ ba là Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản; các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Họ cũng mong Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng chấp thuận gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng từ 3 tới 6% mỗi năm trong năm 2020, 2021.

Thứ tư, các trường mong muốn "công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả chương trình học trực tuyến (online); tạo điều kiện để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy".

"Là khối doanh nghiệp đặc thù dễ bị tổn thương và tác động tức thì trong thời gian này, chúng tôi đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để được hướng dẫn các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, giải quyết nhanh thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên", bản kiến nghị nêu rõ nội dung thứ năm.

150 trường tư khẳng định "đồng cảm và ủng hộ" các biện pháp khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan Covid-19 của Chính phủ, nghiêm túc đóng cửa trường học để đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát sẽ bị sụt giảm doanh số trên 50%, trong đó 90% có nguy cơ phá sản.

Khối giáo dục ngoài công lập toàn quốc hiện có gần 2 triệu học sinh. Nhóm trường này đánh giá việc đóng cửa hàng loạt cơ sở sẽ "gây hệ lụy nghiêm trọng" đối với nền giáo dục Việt Nam. Hàng trăm cơ sở mầm non sẽ phá sản dẫn đến trẻ không có người trông nom, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm.

"Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị mất trắng", bản kiến nghị nêu.

Là Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục Victory Hà Nội (gồm mầm non, tiểu học), bà Nguyễn Ngọc Điệp cho hay nếu các cấp học khác nghỉ có thể học bù thì trường mầm non nghỉ ngày nào là mất nguồn thu ngày đó vì theo quy định không tổ chức học không được thu tiền.

"Học sinh được nghỉ học nhưng hàng tháng chúng tôi vẫn phải trả tiền mặt bằng. Như hệ thống Victory, hàng tháng chúng tôi phải trả khoảng 800 triệu đồng tiền mặt bằng và 1,5 tỷ tiền lương", bà Điệp nói.

Khẳng định an toàn của học sinh là trên hết, nhưng bà Điệp cho rằng Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Vừa qua, các trường quốc tế, phổ thông đã cho học sinh quay lại trường và chưa thấy gì đáng lo ngại. "Tôi mong học sinh được đi học sớm hơn vì khối lớp 1 mới học được một kỳ, mới định hình được việc học thì giờ phải làm quen từ đầu", bà nói.

Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 8-16 ngày, học sinh cả nước nghỉ phòng chống Covid-19 một tháng. Đến đầu tháng 3, học sinh THPT của 59 tỉnh thành đã đi học lại, trừ Hà Nội, TP HCM, Tiền Giang, Sơn La. Riêng học sinh mầm non, tiểu học, THCS sẽ nghỉ hết ngày 8/3, hoặc 15/3.

Bùng phát từ Vũ Hán từ tháng 12/2019, đến hôm nay Covid-19 đã lan ra 84 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 96.000 người nhiễm bệnh, 3.286 người chết. Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran ghi nhận nhiều ca nhiễm.

Tại Việt Nam, 16 người nhiễm nCoV đã khỏi, 23 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Hiện có 92 người nghi nhiễm được cách ly; 16.190 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm và từ vùng dịch về, được theo dõi sức khỏe.

Hoàng Thùy