|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

150 nghìn tấn thịt gà ùn ùn về Việt Nam với giá chưa tới 1 USD/kg

20:00 | 26/10/2019
Chia sẻ
Dự kiến cả năm nay Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 150 nghìn tấn thịt gà các loại. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, số lượng thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam không ảnh hưởng đến thị phần và giá thịt gà trong nước.
150 nghìn tấn thịt gà ùn ùn về Việt Nam với giá chưa tới 1 USD/kg - Ảnh 1.

Giá gà nhập khẩu bình quân nhiều năm gần đây chỉ xung quanh mức trên dưới 1 USD/kg. (Ảnh: Internet)

Theo Cục Chăn nuôi, nhập khẩu thịt gà các loại năm 2016 đến nay lần lượt là: Năm 2016 nhập hơn 122 nghìn tấn (trị giá hơn 87,8 triệu USD); năm 2017 nhập hơn 85,8 nghìn tấn (hơn 80,2 triệu USD); năm 2018 là hơn 128 nghìn tấn (hơn 116,3 triệu USD). 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 105,7 nghìn tấn thịt gà, tương ứng giá trị hơn 96,5 triệu USD.

Trong tổng số hơn 105,7 nghìn tấn nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay, chỉ có 60% là thịt đùi, tương đương là 63.479 tấn; gà nguyên con (gà loại của Hàn Quốc) 13,3%, tương đương 14.071 tấn; còn lại là các sản phẩm cánh, chân, mề, gan, da, xương, sụn, phao câu,... Giá bình quân cho các sản phẩm là 0,913 USD/kg (các năm trước cũng dao động từ 0,85-1USD/kg.

Dự kiến, cả năm 2019, sản lượng thịt gà nhập khẩu khoảng 150 nghìn tấn. Cục Chăn nuôi đánh giá: Thịt có khả năng cạnh tranh thị trường là thịt đùi khoảng 90 nghìn tấn, chiếm 10,37% so với thịt gia cầm, 13,53% so với thịt gà và 30,41% so với thịt gà công nghiệp.

Trong khi lượng thịt nhập khẩu gia tăng thì tại thị trường trong nước giá gà công nghiệp lại sụt giảm khá nghiêm trọng thời gian gần dây. 

Khoảng giữa tháng 9, giá gà lông trắng chỉ khoảng 12.000-13.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà lông màu (lương phượng), giá cũng chỉ xung quanh mốc 30.000 đồng/kg. Người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Đến đầu tháng 10, mức giá gà lông trắng đã nhích lên khoảng 23.000 đồng/kg và gà lông màu khoảng 31.000-32.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho hay: “Với mức giá trên, người nuôi gà lông màu có lãi nhẹ, song người nuôi gà lông trắng thì tiếp tục lỗ bởi mức giá gà lông trắng phải đạt tối thiểu 25.000 đồng/kg trở lên, người chăn nuôi mới bắt đầu có lãi”.

Ông Ngọc đánh giá giá gà trong nước thấp như vậy là bởi nguồn cung gà nội địa tăng lên khi người dân bỏ lợn nuôi gà, sau khi Dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại nhiều địa phương; đồng thời lý do còn đến từ việc thịt gà nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam.

Liên quan tới quan điểm này, mới đây Cục Chăn nuôi chính thức bác bỏ quan điểm nhập khẩu thịt gà gia tăng làm giảm giá gà trong nước. Theo Cục này, với số liệu nhập khẩu dự kiến nêu trên (150 nghìn tấn thịt gà nhập khẩu năm 2019-PV), số lượng thịt gà các loại nhập khẩu vào Việt Nam không ảnh hưởng đến thị phần và giá thịt gà trong nước.

Số lượng có tăng nhưng không tăng nhiều. Nhập khẩu thịt gà tăng một phần do bệnh Dịch tả lợn châu Phi làm giảm sản lượng thịt lợn.

Đứng từ góc độ kinh doanh hàng nông sản, đồng thời là người có sự am hiểu khá rõ về ngành chăn nuôi gia cầm, chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan về câu chuyện nhập khẩu gà, nhất là gà từ Mỹ, ông Nguyễn Đăng Cường-Giám đốc Công ty TNHH Lucavi cho rằng: Người Việt Nam không ăn nhiều gà công nghiệp. Gà nhập khẩu về chủ yếu để sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm.

Tỷ lệ nhập khẩu tăng cao có thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới sản lượng sản xuất gà công nghiệp trong nước của những doanh nghiệp lớn như CP, Dabaco… Tuy nhiên, người sản xuất nhỏ lẻ, nuôi gà bán phục vụ nhu cầu thị hiếu của người Việt sẽ không ảnh hưởng nhiều.

“Điều quan trọng nhất trong vấn đề nhập khẩu gà từ Mỹ là phải đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh”, ông Cường nói.

Về xuất khẩu sản phẩm gia cầm giai đoạn 2016-2019, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) có những điểm nổi bật như sau: Giống gia cầm xuất khẩu từ 1,25-1,5 triệu con, thấp nhất là năm 2017 là 1,25 triệu con.

Với sản phẩm gia cầm đã qua chế biến xuất khẩu: Đối với trứng vịt muối duy trì mỗi năm khoảng từ 10-15 triệu quả và thấp nhất ở năm 2018.

Thịt gà qua chế biến bắt đầu xuất khẩu từ tháng 9/2017, năm 2018 đạt gần 8 nghìn tấn. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu trứng chim cút đóng hộp, gà ác tiềm, lòng đỏ trứng vịt muôi, trứng vịt muối luộc và bột trứng.

Thanh Nguyễn