15 bộ, cơ quan và 23 địa phương trả lại vốn đầu tư công 2021 do giải ngân không kịp
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tính đến ngày 27/9, Bộ này đã nhận được đề xuất của 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 với tổng số vốn là 21.771 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 3.917 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 17.854 tỷ đồng, TTXVN đưa tin.
Ngoài ra, 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương với tổng số vốn là 1.643 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trong nước là 1.595 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 48 tỷ đồng.
Theo quy định tại Nghị quyết 63 hồi tháng 6 về việc yêu cầu cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch đã cấp từ đầu năm, điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác thực hiện các dự án khác quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và có khả năng giải ngân nhanh vốn trong năm 2021. Công việc này đang được Bộ KH-ĐT thực hiện.
Theo Bộ KH-ĐT, dự kiến đến ngày 30/9 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%).
Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%).
Theo rà soát của Bộ KH-ĐT, đến nay, có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, không thuộc trường hợp điều chỉnh theo quy định trên.
Trong khi đó, có tới 46/50 bộ, cơ quan Trung ương và 52/63 địa phương đến hết tháng 9 giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được giao từ đầu năm.
Theo Báo Chính phủ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và quy định,...
Bên cạnh đó, năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250.000 tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhận định, từ nay đến cuối năm chỉ còn ba tháng nữa, trong khi còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được.