|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

13.000 tỷ đồng vốn tự có làm cao tốc Bắc Nam: Làm sao để tránh nhà thầu 'tay không bắt giặc'?

16:39 | 01/11/2017
Chia sẻ
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng nên kiểm tra lại toàn bộ nhà thầu BOT, bởi từ việc vay vốn ngân hàng cho thấy thực tế là các nhà thầu “tay không bắt giặc” rất nhiều.

Ngày 3/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ đọc Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án này.

Đây là dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, nhất là trong bối cảnh ngành Giao thông đang đề xuất nhiều dự án lớn có tổng đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng như Cảng hàng không Long Thành, dự án đường sắt tốc độ cao…

Cần 118.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc - Nam

Lý giải về việc vì sao phải đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tại tọa đàm “Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” sáng 1/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phân tích, trên cơ sở quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta có 6.114km đường cao tốc. Trong quy hoạch cũng ghi rõ, dự kiến đến năm 2020, phấn đấu có 2.000 - 2.500 km đường cao tốc.

Dựa vào quy hoạch, Bộ GTVT đã chỉ đạo trong những năm vừa qua và đã hoàn thành được 746km/6.114km. Con số này, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, so với quy hoạch và nhu cầu thực tế còn rất hạn chế.

13000 ty dong von tu co lam cao toc bac nam lam sao de tranh nha thau tay khong bat giac
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trả lời câu hỏi của độc giả tại tọa đàm. Ảnh: Báo Giao thông

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ phân cho Bộ GTVT 75.000 tỷ đồng, trong đó 5.000 tỷ đồng dành cho sân bay Long Thành. 70.000 tỷ còn lại sẽ dùng 55.000 tỷ cho đường cao tốc Bắc – Nam. 15.000 tỷ còn lại sử dụng cho các dự án bị đình, giãn, hoãn theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong số 55.000 tỷ làm đoạn cấp bách trước, cụ thể là 654 km, sẽ đầu tư các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn 2021 - 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ – TP. Cà Mau.

Giải đáp thắc mắc tại sao không làm đường sắt cao tốc Vinh - Hà Nội mà lại làm cao tốc đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật lý giải, khoảng cách phù hợp để làm đường sắt ít nhất phải dài 300 – 400km. Hiện Chính phủ đang giao Bộ nghiên cứu tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, TP. HCM - Nha Trang.

"Nếu làm đường bộ cao tốc, chúng ta tự chủ được tư vấn thiết kế, xây dựng… Trong khi nếu làm đường sắt tốc độ cao, đến 90% lệ thuộc vào nước ngoài do chưa đủ trình độ, năng lực, từ khâu công nghệ, vật tư, nguyên nhiên vật liệu đến vận hành. Chưa kể là chi phí làm đường sắt cao tốc rất cao, khoảng 15 tỷ USD so với làm đường cao tốc 2,5 tỷ USD", ông Nhật nói.

Bộ GTVT đang đặt mục tiêu đến năm 2019 – 2020 sẽ trình Chính phủ dự án đường sắt tốc độ cao, đoạn Hà Nội – Vinh, TP. HCM – Nha Trang bởi sau 2030 thì đường cao tốc cũng sẽ đạt tới ngưỡng quá tải.

Trả lời về nguồn lực để đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết dự án cần tổng lượng vốn là 118.000 tỷ đồng.

"Hiện đã có 55.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu. Do đó, trong năm đầu hoàn toàn không phải lo đến tiền. Thực tế, phần việc này làm bằng ngân sách mục đích là để chúng ta kiểm soát chi phí và giá thành", ông Huy cho biết.

Ông Huy cũng cho biết thêm, giai đoạn 1, ngành giao thông cần 63.000 tỷ đồng huy động nguồn lực của tư nhân. Trong đó, 13.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà đầu tư, số còn lại là huy động các tổ chức tín dụng trong nước.

"Chúng tôi dự kiến chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12 nghìn tỷ từ các tổ chức tín dụng trong nước, con số này rất nhỏ, chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mức này là hợp lý, ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn", ông Huy nói.

Băn khoăn 13.000 tỷ vốn tự có

Là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, nói về hiệu quả của dự án cao tốc Bắc – Nam, ông Lê Xuân Nghĩa tán thành phương án tài chính của dự án này.

"Phương án này rất hay với tỷ lệ vốn góp của Chính phủ cao nhất tương đương 40%. Nhà đầu tư nhàn hạ hơn nhiều khi không gặp phải các vấn đề như vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng", ông Nghĩa nêu quan điểm

Tuy nhiên, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa bày tỏ sự băn khoăn về khoản 13.000 tỷ vốn tự có của nhà đầu tư vì các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng cầu đường còn gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn.

13000 ty dong von tu co lam cao toc bac nam lam sao de tranh nha thau tay khong bat giac
Ông Lê Xuân Nghĩa, UV Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia. Ảnh: Báo Giao thông

Theo ông, phải chọn những tập đoàn có vốn tự có đủ mạnh cả về công nghệ, vốn để làm tránh tình trạng phân nhỏ mỗi nhà đầu tư vài chục km.

"Phần vay vốn ngân hàng 50.000 tỷ không lớn. Vấn đề còn lại tập đoàn nào trúng thầu có đủ vốn tự có để đầu tư và tạo sự tin tưởng để ngân hàng cho vay", chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.

Nói về việc lựa chọn nhà đầu tư BOT như thế nào để đảm bảo vốn chủ sở hữu thực sự vốn của nhà đầu tư, ông Nghĩa cho hay, một doanh nghiệp có rất nhiều bộ hồ sơ tài chính khác nhau từ hồ sơ tính thuế, hồ sơ thương mại tới hồ sơ đấu thầu khác. Do đó, theo ông, khi lựa chọn phải tin vào kết quả kiểm toán, vì không đủ năng lực để “nhảy vào” kiểm toán lại dòng tiền của doanh nghiệp.

Dù vậy, ông Nghĩa cho rằng, cũng nên kiểm tra lại toàn bộ nhà thầu BOT, bởi từ việc vay vốn ngân hàng cho thấy thực tế là các nhà thầu “tay không bắt giặc” rất lớn.

"Thậm chí, có doanh nghiệp vốn chủ sở hữu so với nợ ngắn hạn và nợ dài hạn còn âm mà vẫn được tham gia đấu thầu, do đó ngành Giao thông Vận tải cần thận trọng. Chúng ta không đủ nhân lực, thời gian nhưng nên kiểm tra những doanh nghiệp nghi ngờ. Cách kiểm tra đơn giản là kiểm tra dòng tiền của doanh nghiệp trong vài năm; kiểm tra tổng nguồn vốn, tổng nợ ngắn hạn, dài hạn", ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

13000 ty dong von tu co lam cao toc bac nam lam sao de tranh nha thau tay khong bat giac Cần hơn 130.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông

Dự kiến tổng số vốn của dự án là khoảng 130.216 tỷ đồng, giai đoạn đến năm 2020 triển khai 11 đoạn tuyến.

Hồ Mai